Những chỉ tiêu cơ bản trên được Tỉnh uỷ Gia Lai đặt ra để phấn đấu thực hiện, đến năm 2030 đưa Gia Lai phát triển nhanh và bền vững, trở thành vùng động lực khu vực Bắc Tây Nguyên theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
|
Theo Tỉnh uỷ Gia Lai, địa phương này phấn đấu đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 133 triệu đồng/người/năm. |
Để thực hiện đạt các chỉ tiêu cơ bản trên, về kinh tế, trong các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung chỉ đạo trong thời gian đến, Tỉnh uỷ Gia Lai xác định phải đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt là phải đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển chiều sâu (thâm canh, chuyên canh), hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, cánh đồng lớn để thuận lợi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi phải gắn với khu chế biến sâu nhằm tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng lớn, hiệu quả cao.
Đồng thời với đó, từ nay đến năm 2030, Gia Lai tập trung phát triển kinh tế trên cơ sở sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn và tích ứng với biến đổi khí hậu. Cạnh đó, tỉnh cũng tập trung chuyển đổi các diện tích kém hiệu quả sang phát triển cây ăn quả chủ lực (như sầu riêng, chanh leo, bơ, chuối…), các cây công nghiệp (như cà phê, ca cao, hồ tiêu…) và các cây dược liệu, rau, hoa, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp đảm bảo môi trường mang lại giá trị cao.
Ngoài ra, trong những năm đến, Gia Lai cũng quan tâm phát triển thuỷ sản có giá trị kinh tế cao như nuôi trong lồng bè ở vùng lòng hồ các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện trên lưu vực sông Sê San, sông Ba; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất theo tiêu chuẩn, xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Chia sẻ thêm về những chỉ đạo mang tính định hướng của tỉnh, đồng chí Hồ Văn Niên, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai khẳng định, muốn đảm bảo để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, Gia Lai phải triển khai đồng bộ các giải pháp có liên quan để thực hiện; đồng thời có sự đồng hành, đồng thuận của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là người dân trong tỉnh.
“Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh về nguồn nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến nhằm phát huy các nguồn lực, góp phần tạo đột phá để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Song song đó, Gia Lai cũng quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nhất là hạ tầng thuỷ lợi kiên cố đáp ứng yêu cầu tưới tiêu cho sản xuất; tập trung cho việc ứng dụng công nghệ tưới tiêu tiên tiến, hiêu quả và xem đây là một trong những trụ cột quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung phát triển hạ tầng giao thông liên kết các khu, vùng sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, các hồ thuỷ lợi thuận lợi trong việc vận chuyển, đi lại phục vụ sản xuất”- Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai Hồ Văn Niên cho biết và thông tin thêm: Cùng với các giải pháp trên, phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế quan trọng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp; phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân gắn với công tác quản lý và bảo vệ rừng; xem việc bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh… cũng là những ưu tiêu, quan tâm sắm đến của các cấp, các ngành và địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh để góp phần đưa kinh tế địa phương phát triển nhanh và bền vững.
|
Trong thời gian tới, Gia Lai tiếp tục ưu tiên đầu tư hạ tầng cho phát triển nông nghiệp của tỉnh để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển.
|
Trong khi đó, chia sẻ thêm về những định hướng lớn liên quan đến phát triển kinh tế địa phương trong những năm đến, một đại diện UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long cho rằng, trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh của mình, trong định hướng phát triển tới, Gia Lai sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp năng lượng, tập trung vào nhóm ngành công nghiệp mà tỉnh có lợi thế là nguồn nguyên liệu đầu vào từ sản phẩm của ngành nông, lâm sản như: sắn, mía, cà phê, tiêu, cao su, điều, trái cây, cây dược liệu, gỗ, sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chế biến thức ăn gia súc. Tích cực công tác hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản của tỉnh; công nghiệp năng lượng tái tạo nơi có tốc độ gió lớn, mật độ bức xạ nhiệt cao để phát triển điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối; sản xuất vật liệu không nung; công nghiệp phục vụ nông nghiệp.
Đồng thời với đó, tỉnh cũng quan tâm đẩy nhanh thu hút lấp đầy các khu công nghiệp (Khu Công nghiệp Trà Đa, Khu Công nghiệp Nam Pleiku, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh) và các cụm công nghiệp đã và đang hình thành. Đây là lợi thế lớn để phát triển ngành công nghiệp chế biến kết nối với ngành nông nghiệp. Tập trung kêu gọi xây dựng cảng cạn tại Khu Công nghiệp Nam Pleiku, cảng cạn tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nhằm phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, logistic dựa trên nền tảng số theo hướng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ với trọng tâm là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, gắn với phát triển nông nghiệp, hệ thống logistic thông minh và Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Hình thành và phát triển các hình thức tổ chức thị trường hiện đại như sàn giao dịch hàng hóa cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Tập trung xây dựng một số thương hiệu sản phẩm của quốc gia như cà phê, cao su, sầu riêng, bơ, hồ tiêu,...
Cùng với những nỗ lực đó, từ nay đến năm 2030, tỉnh Gia Lai sẽ ưu tiên quan tâm tăng cường tiềm lực cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho Gia Lai và vùng Tây Nguyên, trong đó chú trọng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ số, công nghệ sinh học, giống cây trồng vật nuôi, các mô hình nông nghiệp hiệu quả cao, sản xuất sạch và an toàn vào sản xuất, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và khai thác trực tiếp lợi thế của tỉnh; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu vùng phục vụ cho hoạt động chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và liên kết vùng.
“Để thực hiện nhiệm vụ này, UBND tỉnh đã giao Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện; đồng thời tiếp tục tham mưu giúp Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tiếp tục có những giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển của địa phương trong những năm đến”- Đại diện UBND tỉnh Gia Lai thông tin thêm.
|
Cao su là một trong những cây công nghiệp có thế mạnh của Gia Lai.
|
Về nhiệm vụ phát triển đô thị và bố trí dân cư phù hợp với các điều kiện đặc trưng về sinh thái, bản sắc văn hóa của địa phương và vùng Tây Nguyên, theo UBND tỉnh Gia Lai, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, phải được triển khai thực hiện và thường xuyên ra soát, đánh giá, có những chỉ đạo thực hiện hiệu quả, trong đó chú ý phát triển không gian xanh, cảnh quan đặc trưng, kết cấu hạ tầng hiện đại, thông minh và thân thiện với môi trường. Hình thành và phát triển mạng lưới đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ trên địa bàn tỉnh theo định hướng quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan. Từng bước nâng cao chất lượng các đô thị hiện hữu và hình thành mới các đô thị ở các khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cơ bản hoàn thiện và có nhiều động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí đô thị loại I của thành phố Pleiku, xây dựng thành phố Pleiku là trung tâm tiểu vùng Bắc Tây Nguyên theo hướng đô thị thông minh, cao nguyên xanh, vì sức khỏe con người, có chiến lược, chính sách hấp dẫn các nhà đầu tư để trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội, đô thị có tính lan tỏa lớn. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại trên cơ sở hình thành 03 vùng động lực mà trung tâm là thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, Khu Kinh tế Cửa khẩu Đức Cơ tạo tiền đề kết nối thành phố Pleiku và vùng phụ cận lan tỏa kinh tế - xã hội. Tăng cường năng lực thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng mạng lưới các điểm tập kết, trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và vệ sinh môi trường.
Cạnh đó, UBND tỉnh Gia Lai hiện cũng đã giao cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan quan tâm rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện di dời dân cư, bảo đảm sinh kế bền vững và an toàn cho người dân tại vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ổn định dân cư địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phát triển dân cư khu vực biên giới, chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng phù hợp với cảnh quan, địa hình khu vực và đặc điểm kiến trúc của đồng bào dân tộc thiểu số./.