Biến đổi khí hậu vẫn chưa dừng lại trước đại dịch COVID-19

Thứ năm, 10/09/2020 16:30
(ĐCSVN) – Báo cáo mới nhất vừa được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 9/9 cho thấy sau khi suy giảm tạm thời do việc hạn chế di chuyển và hoạt động kinh tế chậm lại liên quan đến đại dịch COVID-19 thì phát thải khí nhà kính đã trở lại mức trước đại dịch.
 Lửa bùng cháy trong khu rừng quốc gia Klamath ở California, Mỹ.  (Ảnh: UN)

Thế giới đang trên đường tới mức kỷ lục 5 năm nóng nhất và không đạt được mục tiêu đã được thống nhất là giữ cho nhiệt độ trung bình của hành tinh không tăng quá 2 độ C mỗi năm so với mức tiền công nghiệp hoặc giới hạn mức tăng ở 1,5 độ C.

Báo cáo nhan đề “United in Science 2020” tập hợp dữ liệu khí hậu mới nhất từ một nhóm các đối tác toàn cầu: WMO, Dự án Carbon Toàn cầu, Ủy ban Hải dương học liên chính phủ của UNESCO, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Văn phòng Met của Vương quốc Anh.

Báo cáo nhấn mạnh những tác động ngày càng tăng và không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến các sông băng, đại dương, thiên nhiên, nền kinh tế, điều kiện sống và thường biểu hiện thông qua các hiểm họa thủy văn như hạn hán hoặc lũ lụt. Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy đại dịch COVID-19 đã cản trở khả năng của chúng ta trong việc giám sát những thay đổi này trong khuôn khổ hệ thống giám sát toàn cầu.

“Nồng độ khí nhà kính, chưa bao giờ cao như vậy trong vòng 3 triệu năm qua, đã lại tiếp tục tăng. Những vùng đất rộng lớn ở Siberia đã trải qua một đợt nắng nóng kéo dài và đặc biệt trong nửa đầu năm 2020, điều này rất khó xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu do con người gây ra. Và giai đoạn 2016 – 2020 được thiết lập để trở thành khoảng thời gian 5 năm nóng nhất được ghi nhận” – Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết. Ông cũng đồng thời lưu ý báo cáo cho thấy trong khi nhiều khía cạnh cuộc sống của chúng ta bị đảo lộn vào năm 2020, thì "biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục không suy giảm".

Những thách thức chỉ trở nên tồi tệ hơn

Trong một cuộc họp báo hôm 9/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres lưu ý rằng: Như báo cáo này chỉ ra, việc ngừng hoạt động trong thời gian ngắn không thể thay thế hành động khí hậu bền vững mà chúng ta cần để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về khí hậu. “Hậu quả của việc chúng ta không thể đối phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu ở khắp mọi nơi: những đợt nắng nóng kỷ lục, cháy rừng tàn phá, lũ lụt và hạn hán” – ông nói thêm. "Và những thách thức này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn".

Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, không có thời gian để lãng phí nếu chúng ta muốn làm chậm xu hướng và hạn chế sự gia tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C. Ông nêu rõ: “Hành động vì khí hậu là cách duy nhất để bảo đảm một hành tinh có thể sống được cho thế hệ này và các thế hệ tương lai. Cho dù chúng ta đang đối phó với đại dịch hay khủng hoảng khí hậu, rõ ràng là chúng ta cần khoa học, đoàn kết và có các giải pháp mang tính quyết định".

Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng đã kêu gọi tăng cường các nỗ lực để vực dậy nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19, từ đó xây dựng một thế giới tốt đẹp và bền vững hơn.

6 hành động liên quan đến khí hậu

Tổng thư ký António Guterres kêu gọi 6 hành động liên quan đến khí hậu để định hình quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, trước tiên, khi chúng ta chi một khoản tiền khổng lồ để phục hồi sau đại dịch, chúng ta “cần tạo ra việc làm mới và các doanh nghiệp mới thông qua quá trình chuyển đổi xanh và sạch”.

“Thứ hai, khi tiền của người đóng thuế được sử dụng để cứu các doanh nghiệp, nó phải được liên kết với việc tạo ra việc làm xanh và duy trì tăng trưởng” – ông nói thêm. “Thứ ba, sức mạnh tài khóa phải dẫn đến sự chuyển dịch từ nền kinh tế xám sang nền kinh tế xanh và làm cho xã hội và các cá nhân trở nên linh hoạt hơn”.

Thứ tư, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng cho rằng công quỹ nên được sử dụng để đầu tư cho tương lai chứ không phải quá khứ và hướng tới các lĩnh vực và dự án bền vững đóng góp cho môi trường và khí hậu. Ông nói: “Trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch phải chấm dứt, những người gây ô nhiễm phải trả tiền cho sự ô nhiễm của họ và không có nhà máy nhiệt điện than mới nào được xây dựng”.

“Thứ năm, các rủi ro và cơ hội về khí hậu cần được tích hợp vào hệ thống tài chính, cũng như tất cả các khía cạnh của chính sách công và phát triển cơ sở hạ tầng. Và, cuối cùng, chúng ta phải làm việc cùng nhau trong một cộng đồng quốc tế” – ông kết luận./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực