Thứ ba, 02/06/2020 14:48 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Giới chức y tế Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo đã báo cáo về đợt bùng phát dịch Ebola mới ở khu vực Tây Bắc, trong bối cảnh nước này chuẩn bị công bố hết dịch ở khu vực miền Đông đất nước.
|
Đợt dịch Ebola bùng phát ở miền Đông CHDC Congo năm 2018 đã khiến 2.280 người tử vong (Ảnh: Reuters) |
Bộ trưởng Y tế CHDC Congo Eteni Longondo ngày 1/6 cho biết, đã có 4 trường hợp tử vong vì dịch Ebola ở thành phố Mbandaka – Tây Bắc đất nước. “Viện nghiên cứu Y sinh Quốc gia (INRB) đã xác nhận với tôi rằng, các mẫu bệnh phẩm gửi từ thành phố Mbandaka đều dương tính với virus Ebola”, Bộ trưởng Longondo cho biết, đồng thời khẳng định Bộ Y tế sẽ nhanh chóng gửi vắc-xin và thuốc tới khu vực mới phát dịch.
Thành phố Mbandaka – thủ phủ tỉnh Equateur, là một trung tâm giao thông ở khu vực Sông Congo, với dân số hơn 1 triệu dân. Tỉnh Equateur trước đây đã từng bùng phát dịch Ebola trong giai đoạn tháng 5-7/2018, với 33 người tử vong và 21 người bình phục. Do vậy, giới chức y tế CHDC Congo bày tỏ tin tưởng vào việc địa phương này đã có kinh nghiệm trong việc đối phó với dịch bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đã có mặt ở Mbandaka để hỗ trợ địa phương này phòng chống dịch Ebola.
Việc xuất hiện đợt bùng phát mới dịch Ebola là một đòn giáng mạnh mẽ trong bối cảnh CHDC Congo đang gồng mình chống chọi với đại dịch COVID-19. Đây là đợt bùng phát dịch Ebola lần thứ 11 tại CHDC Congo kể từ khi virus này được phát hiện vào năm 1976.
Trước đó, đợt bùng phát dịch lần thứ 10 ở CHDC Congo xảy ra tại các tỉnh Bắc Kivu, Nam Kivu và Ituri năm 2018. Ngày 14/5/2020, Bộ Y tế nước này bắt đầu đếm ngược 42 ngày để tuyên bố hết dịch tại các khu vực này. Dự kiến, khu vực này sẽ được công bố hết dịch vào ngày 25/6 tới. Ổ dịch Ebola bùng phát cách đây gần 2 năm ở miền Đông CHDC Congo đã làm 2.280 người tử vong.
Như vậy, CHDC Congo đang phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh kép. Ngoài Ebola, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng đang diễn biến phức tạp tại nước này, với 611 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó 20 người đã tử vong. Tình trạng khó khăn về kinh tế, cơ sở hạ tầng thiếu hụt, hệ thống y tế nghèo nàn và tình trạng xung đột tại nhiều khu vực có dịch bệnh đã cản trở những nỗ lực của cơ quan chức năng CHDC Congo và cộng đồng quốc tế trong đối phó với các dịch bệnh tại nước này./.
Kiều Giang (theo Al Jazeera, WHO)