Các biện pháp quản lý liên quan đến COVID-19 làm giảm nguy cơ tấn công khủng bố

Thứ ba, 25/08/2020 16:36
(ĐCSVN) – Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng mối đe dọa khủng bố trong các khu vực xung đột nhưng cũng làm giảm mối đe dọa này trong các khu vực không có xung đột do các biện pháp ngăn chặn được thực hiện để chống lại đại dịch.
Tại thành phố Florence (Italy), quảng trường Piazza Del Duomo vốn thường đông đúc với hàng nghìn du khách, lại vắng vẻ do đại dịch COVID-19. (Ảnh: UNICEF)

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an hôm 24/8, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, đồng thời là Trưởng Văn phòng Chống khủng bố của Liên hợp quốc (UNOCT) Vladimir Voronkov cho biết: “Kể từ đầu năm, chúng tôi đã quan sát thấy sự chênh lệch tương phản giữa các khu vực về quỹ đạo của mối đe dọa này. Trong các khu vực xung đột, mối đe dọa đã tăng lên, bằng chứng là việc củng cố và tăng cường hoạt động của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria, cũng như trong một số chi nhánh khu vực của chúng". “Tuy nhiên, ở những khu vực không có xung đột, mối đe dọa dường như đã giảm bớt trong ngắn hạn. Các biện pháp giảm thiểu sự lây lan của COVID-19, như ngăn chặn và hạn chế di chuyển, dường như đã làm giảm nguy cơ tấn công khủng bố ở nhiều quốc gia” – ông nói thêm.

Tuy nhiên, theo quan chức Liên hợp quốc, có xu hướng xảy ra các cuộc tấn công do các cá nhân thực hiện bắt nguồn từ động cơ trực tuyến và hành động một mình hoặc theo nhóm nhỏ, và điều này có thể được thúc đẩy bởi các nỗ lực tuyên truyền của IS trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Ông Vladimir Voronkov cho biết, tác động của đại dịch đối với các hoạt động tuyển mộ và gây quỹ cho khủng bố vẫn chưa chắc chắn, vì sự ảnh hưởng kinh tế xã hội của nó có thể làm trầm trọng thêm các điều kiện cho chủ nghĩa khủng bố và gia tăng mối đe dọa trong trung và dài hạn, cả đối với trong và ngoài vùng xung đột.

IS củng cố sức mạnh tại một số khu vực ở Trung Đông

Về vấn đề Trung Đông, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Vladimir Voronkov cho biết, các phần tử nòng cốt của IS đã tiếp tục củng cố sức mạnh của mình trong các khu vực do lực lượng này kiểm soát trước đây, hoạt động ngày càng tự tin và công khai.

Ước tính vẫn có tới hơn 10.000 chiến binh IS hoạt động ở Iraq và Syria, di chuyển tự do trong các nhóm nhỏ giữa hai nước. Đã có sự gia tăng đáng kể các cuộc tấn công của IS ở cả hai quốc gia vào năm 2020 so với năm 2019.

Liên quan tới châu Phi, tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Tây Phi (ISWAP) vẫn là trọng tâm chính trong hoạt động tuyên truyền toàn cầu của IS, và tổng số thành viên của nó khoảng 3.500 binh sĩ, khiến ISWAP trở thành một trong những tổ chức "thuộc tỉnh" vùng sâu vùng xa lớn nhất. ISWAP tiếp tục tăng cường quan hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Đại sa mạc Sahara (ISGS), vốn vẫn là nhóm nguy hiểm nhất ở khu vực 3 biên giới Burkina Faso, Mali và Niger.

Tại châu Âu, mối đe dọa tiếp tục chủ yếu đến từ hoạt động cực đoan hóa khủng bố qua Internet. Ông Voronkov cho biết thêm: “Những lo ngại nghiêm trọng vẫn tồn tại về việc cực đoan hóa và thất bại trong việc cải tạo các nhà tù cũng như việc phóng thích những tù nhân nguy hiểm có tiền sử hoặc liên quan đến khủng bố”.

Trong bối cảnh đó, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, đồng thời là Trưởng Văn phòng Chống khủng bố của Liên hợp quốc (UNOCT) Vladimir Voronkov tuyên bố khẳng định hệ thống Liên hợp quốc đã tiếp tục hỗ trợ tích cực cho các nước thành viên trong hơn 6 tháng qua bất chấp đại dịch./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực