Thứ tư, 12/08/2020 14:48 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhà chức trách y tế Nga đang thảo luận về tiến trình có thể được WHO thực hiện nhằm đánh giá một loại vaccine mới kháng COVID-19 vừa được Moscow phê duyệt, đồng thời nhấn mạnh rằng tiến trình "sơ tuyển" và phê duyệt một loại vaccine là rất "nghiêm ngặt".
|
Nghiên cứu đang được tiến hành để phát triển một loại vaccine chống lại virus Corona.
(Ảnh: UN)
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/8 thông báo Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngừa COVID-19 sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm trên người. Thông cáo báo chí của Bộ Y tế Nga cho biết, Bộ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký số LP-006395 cho vaccine phòng ngừa COVID-19, do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật mang tên Viện sĩ N.F. Gamaley trực thuộc Bộ Y tế Nga phát triển. Vaccine mới có tên gọi Gam-COVID-Vac. Thông cáo báo chí khẳng định kết quả thử nghiệm đã cho thấy vaccine phát huy hiệu quả, có độ an toàn cao và khả năng miễn dịch kéo dài đến 2 năm. Việc bào chế loại vaccine này sẽ được thực hiện tại 2 cơ sở ở Nga gồm Viện Gamaleya và Công ty Binnopharm.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ở Geneva, người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic cho biết: "Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với các cơ quan y tế Nga và các cuộc thảo luận đang được tiến hành liên quan đến việc WHO có thể sẽ sơ tuyển vaccine".
Trả lời câu hỏi của một nhà báo liên quan tới thông báo của Moscow về việc phát triển một loại "vaccine chống lại virus Corona mới" đầu tiên, ông Jasarevic nói rằng, việc sơ tuyển bất kỳ loại vaccine nào cũng liên quan đến việc xem xét và đánh giá nghiêm ngặt tất cả các dữ liệu cần thiết về tính an toàn và hiệu quả” trong các thử nghiệm lâm sàng. Và ở cấp độ WHO, quy trình này sẽ giống nhau đối với bất kỳ ứng viên vaccine nào.
Ngoài ra, theo ông Jasarevic, "mỗi quốc gia đều có các cơ quan quản lý quốc gia chấp thuận việc sử dụng vaccine hoặc thuốc trên lãnh thổ của mình" và "các nhà sản xuất đang yêu cầu WHO sơ tuyển vì đó là một con dấu có chất lượng". Do đó, để có được con dấu chất lượng này, cần phải xem xét và đánh giá tất cả các dữ liệu cần thiết về tính an toàn và hiệu quả được thu thập trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Bên cạnh xác nhận được cấp bởi các cơ quan quốc gia ở mỗi nước, WHO đã thiết lập quy trình sơ tuyển vaccine cũng như thuốc.
Một danh sách đề xuất vaccine được duy trì và cập nhật hàng tuần trên trang web của WHO. Người phát ngôn Jasarevic giải thích rằng hiện có hơn 160 loại vaccine đang được đề xuất. Và trong số 26 vaccine đề xuất đang thử nghiệm lâm sàng trên khắp thế giới, 6 vaccine đã đạt đến giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng vào cuối tháng 7, bao gồm thử nghiệm rộng rãi hơn ở người. Đó là 3 ứng viên vaccine được phát triển bởi các phòng thí nghiệm của Trung Quốc, 2 của Mỹ và 1 của Anh.
Người phát ngôn của WHO cũng đánh giá cao việc phát triển một số loại vaccine, đồng thời bày tỏ hy vọng "một số loại vaccine này sẽ được chứng minh là an toàn và hiệu quả". Tuy vậy, ông cảnh báo rằng hiện tại "điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp y tế cộng đồng có hiệu quả". “Chúng ta phải tiếp tục đầu tư vào việc phát triển các loại vaccine và phương pháp điều trị sẽ giúp chúng ta giảm lây truyền bệnh trong tương lai” – người phát ngôn của WHO kết luận./.
Khánh Linh (Theo WHO, UN, AFP)