Châu Âu: 13% số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm môi trường

Thứ ba, 08/09/2020 16:22
(ĐCSVN) – Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) ngày 8/9 đã công bố báo cáo cho thấy, có tới 13% số trường hợp tử vong ở châu lục này có liên quan đến ô nhiễm môi trường.
 Ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người (Ảnh: AP)

Báo cáo của EEA chỉ rõ, cứ trong 8 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp tử vong liên quan đến ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm môi trường đã gây ra 400.000 ca tử vong sớm ở châu Âu (EU) mỗi năm.

“Có một mối liên hệ rõ ràng giữa tình trạng môi trường và sức khỏe của người dân”, Ủy viên Môi trường EU Virginijus Sinkevicius cho biết.

Ô nhiễm chủ yếu liên quan tới ung thư, các căn bệnh về tim mạch và hô hấp. Những người nghèo chịu rủi ro nhiều hơn trước ô nhiễm không khí và tình trạng khí hậu cực đoan. Điều này liên quan đến nơi họ sống, lao động và học tập, thường là những khu vực đô thị có mật độ giao thông đông đúc.

Báo cáo cũng chỉ ra sự khác biệt giữa các nước Đông và Tây Âu. Chẳng hạn, Romania ghi nhận tác động lớn nhất từ môi trường với 1/5 số ca tử vong liên quan đến các vấn đề ô nhiễm, trong khi các quốc gia như Thụy Điển và Đan Mạch con số này là 1/10.

EEA chỉ ra trong báo cáo rằng, đại dịch COVID-19 là một ví dụ cụ thể về mối liên quan giữa "sức khỏe nhân loại và sức khỏe hệ sinh thái". Báo cáo nhận định sự nổi lên của các mầm bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người có liên quan tới sự suy thoái môi trường và sự tương tác giữa con người với động vật trong hệ thống thực phẩm.

Tuy nhiên, trong số các vấn đề về môi trường vẫn còn một yếu tố tích cực, đó là chất lượng nước tại châu Âu rất tốt, với chất lượng nước tắm được đánh giá tuyệt vời chiếm tới 85%, trong khi 74% mạch nước ngầm - một nguồn nước quan trọng - có tình trạng hóa học tốt.

Theo EEA, để cải thiện sức khỏe và môi trường ở châu Âu, các không gian xanh nên được ưu tiên lựa chọn vì chúng góp phần làm mát các thành phố giữa các đợt nóng, làm giảm lũ lụt, giảm ô nhiễm tiếng ồn và hỗ trợ hệ sinh thái. Bên cạnh đó, các biện pháp như giảm thiểu hoạt động giao thông vận tải, giảm tiêu thụ thịt và xóa bỏ trợ cấp đối với nhiên liệu hóa thạch cũng được EEA khuyến cáo./.

Kiều Giang (theo DW, Euroactiv)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực