Một báo cáo mới được công bố hôm nay (9/7) bởi OpenAQ, một tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở tại Washington DC, cho thấy sự bất bình đẳng toàn cầu rất lớn trong việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí.
Người dân tại hơn một nửa số quốc gia trên thế giới không được truy cập vào dữ liệu chính thức của chính phủ về chất lượng không khí, mặc dù thực tế là cứ 10 người thì có đến 9 người hít phải không khí có chứa chất gây ô nhiễm cao, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nghiên cứu có tên “Dữ liệu chất lượng không khí mở: Thực trạng toàn cầu” đã tiến hành đánh giá tại 212 quốc gia và phát hiện có đến 109 chính phủ (51%) không đưa ra dữ liệu chất lượng không khí của bất kỳ chất gây ô nhiễm chính nào, trong khi 103 chính phủ còn lại là có đưa ra. OpenAQ đã công bố công khai một danh sách đầy đủ các chính phủ có theo dõi chất lượng không khí.
Nghiên cứu được hỗ trợ bởi các nhà khoa học sử dụng hệ thống OpenAQ tại NASA. Kết hợp dữ liệu vệ tinh về ô nhiễm không khí của NASA với hệ thống của OpenAQ “có khả năng mang lại thông tin về chất lượng không khí cho mọi người trên thế giới”.
Khoảng trống thông tin này đang ngăn cản mọi người yêu cầu hành động từ chính phủ của họ để giải quyết rủi ro môi trường lớn nhất đối với sức khỏe và thay đổi hành vi của chính họ. Ô nhiễm không khí ngoài trời dẫn đến khoảng 4,2 triệu ca tử vong mỗi năm, nhiều hơn cả Ebola, HIV/AIDS, lao và sốt rét cộng lại (2,7 triệu).
|
Các nhà khoa học ở Nam Phi ước tính rằng ô nhiễm không khí ở nước này có thể cao gấp gần bốn lần so với ước tính của các mô hình ước tính toàn cầu. (Ảnh minh họa: ADB) |
Vẫn rất thiếu sự hỗ trợ từ các quốc gia và cá nhân giàu có. Trên toàn cầu, người ta ước tính rằng hơn 150 tỷ đô la được tài trợ mỗi năm bởi các quỹ từ thiện. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ nhằm cải thiện chất lượng không khí ngoài trời chỉ chiếm 1 đô la trong mỗi 5.000 đô la (0,02%) trong tổng số này (30 triệu đô la vào năm 2018).
Báo cáo kêu gọi các quỹ phát triển nước ngoài được liên kết với dữ liệu mở về ô nhiễm không khí. Ở nhiều quốc gia có mức độ ô nhiễm cao, thường có rất ít dữ liệu mở về chất lượng không khí từ các chính phủ. OpenAQ đã phân tích 500 triệu điểm dữ liệu từ 11.000 trạm theo dõi không khí ở 93 quốc gia để so sánh với số lượng trạm quan trắc ô nhiễm không khí có thông số PM2.5 (Bụi mịn - một dạng ô nhiễm không khí nguy hiểm liên quan đến bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi và tiểu đường), và thấy rằng số lượng trạm càng nhiều thì mức độ ô nhiễm càng thấp.
Tiến sĩ Christa Hasenkopf, nhà khoa học khí quyển, người sáng lập OpenAQ nhằm cung cấp quyền truy cập tốt hơn vào dữ liệu chất lượng không khí, cho biết: “Truy cập cơ bản vào dữ liệu chất lượng không khí là bước đầu tiên để cải thiện bầu không khí mà chúng ta hít thở. Bằng cách cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu mở hoàn toàn, các chính phủ có thể tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội - từ các nhà khoa học, các nhà phân tích chính sách đến các nhà hoạt động - cùng nhau giải quyết vấn đề. Điều này sẽ giải phóng tối đa tiềm năng và tác động của dữ liệu chính phủ, khuyến khích đổi mới và huy động cộng đồng hành động.”
Jane Burston, Giám đốc điều hành của Clean Air Fund, một tổ chức nghiên cứu và là tổ chức từ thiện hỗ trợ nghiên cứu, cho biết: Không khí sạch là quyền cơ bản của con người, nhưng ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 1 trong 8 trường hợp tử vong trên khắp hành tinh. Rõ ràng là các chính phủ cần khẩn trương ưu tiên hành động ô nhiễm không khí và cung cấp dữ liệu mở là bước quan trọng đầu tiên. Công nghệ để giám sát ô nhiễm không khí đã có sẵn, nhưng báo cáo này cho thấy rõ ràng nhiều chính phủ phải làm nhiều hơn để tạo ra dữ liệu và giúp cho công dân của họ có thể truy cập được.
Báo cáo kêu gọi chính phủ và các nhà hoạch định chính sách gắn chi tiêu viện trợ nước ngoài với làm sạch không khí và minh bạch dữ liệu. Báo cáo cho biết: “Các tổ chức và chính phủ hỗ trợ các chương trình chất lượng không khí phải đảm bảo rằng khoản đầu tư của họ thúc đẩy tính minh bạch và công khai dữ liệu. Làm như vậy - thông qua các tiêu chí được nêu trong báo cáo này - sẽ giúp phát huy được toàn bộ các ứng dụng tiềm năng của nguồn dữ liệu và giúp cho chất lượng không khí được cải thiện"./.