|
Phụ nữ là đối tượng chịu nhiều tác động bởi nghèo đói. (Ảnh minh họa: UN) |
Nghiên cứu do UN Women và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện cho thấy tỷ lệ nghèo đói ở phụ nữ tăng 9,1%. Trước đại dịch COVID-19 bùng phát, tỷ lệ này dự kiến sẽ giảm 2,7% trong giai đoạn năm 2019 – 2021.
Các dự báo cũng chỉ ra rằng trong bối cảnh khi đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến tình trạng nghèo đói trên toàn cầu nói chung thì phụ nữ sẽ là đối tượng đặc biệt bị ảnh hưởng, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Theo đó, đến năm 2021, cứ 100 nam giới trong độ tuổi từ 25 – 34 sống trong tình trạng nghèo cùng cực (với mức lương 1,90 USD/ngày hoặc ít hơn) thì sẽ có 118 phụ nữ, và thậm chí mức chênh lệch này dự kiến sẽ lên tới 121 phụ nữ so với mỗi 100 nam giới vào năm 2030.
Ngoài ra, các dữ liệu trong báo cáo của Liên hợp quốc cũng cho thấy đại dịch COVID-19 sẽ đẩy 96 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực trong giai đoạn từ nay đến năm 2021, trong đó có 47 triệu phụ nữ và trẻ em gái. Tình trạng này sẽ nâng tổng số phụ nữ sống trong cảnh nghèo cùng cực lên 435 triệu người, đồng thời các dự báo cho thấy con số này sẽ không trở lại mức trước đại dịch cho đến năm 2030.
Phụ nữ là trung tâm của sự phục hồi
Bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Giám đốc điều hành UN Women, cho biết tình hình gia tăng nghèo cùng cực ở phụ nữ là "một bản cáo trạng rõ ràng về những lỗ hổng sâu sắc" trong cách cấu trúc xã hội và nền kinh tế. “Chúng tôi biết rằng phụ nữ gánh phần lớn trách nhiệm chăm sóc gia đình; họ kiếm được ít hơn, tiết kiệm ít hơn và có những công việc kém an toàn hơn, song trên thực tế, về tổng thể, việc làm của phụ nữ có rủi ro cao hơn 19% so với nam giới”.
Người đứng đầu UN Women nói thêm rằng các bằng chứng về tình trạng bất bình đẳng gia tăng giờ đây sẽ dẫn đến "hành động chính trị nhanh chóng và phục hồi", đặt phụ nữ vào trung tâm của việc ứng phó với đại dịch.
Đại dịch đe dọa nghiêm trọng đến việc xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực vào cuối năm 2030, và thực tế được cho là còn tồi tệ hơn, khi dự báo về việc gia tăng tỷ lệ nghèo ở phụ nữ và trẻ em gái chỉ tính đến sự điều chỉnh giảm của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), loại trừ các yếu tố khác, chẳng hạn như việc phụ nữ rời lực lượng lao động vì trách nhiệm gia đình.
Theo ông Achim Steiner, Tổng giám đốc UNDP, hơn 100 triệu phụ nữ và trẻ em gái có thể thoát nghèo nếu các chính phủ cải thiện khả năng tiếp cận với giáo dục và kế hoạch hóa gia đình, tiền lương công bằng và bình đẳng cũng như mở rộng chuyển giao xã hội. “Phụ nữ phải chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng COVID-19 vì họ có nhiều nguy cơ bị mất nguồn thu nhập và ít có khả năng được bảo trợ bởi các biện pháp bảo trợ xã hội” – ông lưu ý, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Đầu tư vào giảm bất bình đẳng giới không chỉ thông minh và hợp túi tiền, mà còn là sự lựa chọn cấp thiết mà các chính phủ có thể thực hiện để đảo ngược tác động của đại dịch đối với nỗ lực giảm nghèo”.
Hành động phải được thực hiện ngay bây giờ
Mặc dù những kết luận vừa được công bố là rất đáng báo động, nhưng nghiên cứu của Liên hợp quốc vẫn ước tính rằng sẽ cần 0,14% GDP toàn cầu (khoảng 2.000 tỷ USD) để đưa thế giới thoát khỏi tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030, và 48 tỷ USD để thu hẹp khoảng cách nghèo đói theo giới.
Tuy nhiên, nếu các chính phủ không hành động hoặc hành động quá muộn, con số thực tế có thể sẽ cao hơn nhiều. Tương tự như vậy, sự gia tăng các bất bình đẳng giới đã tồn tại từ trước cũng có thể tác động đến các số liệu cuối cùng. Ví dụ, phụ nữ làm việc trong một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch, như khách sạn, nhà hàng và dịch vụ gia đình, đặc biệt dễ bị sa thải và mất kế sinh nhai./.