Đại dịch COVID-19 làm thay đổi thế giới: Cuộc khủng hoảng giáo dục

Thứ năm, 31/12/2020 20:13
(ĐCSVN) – Năm nay, việc học tập của trẻ em trên toàn thế giới bị gián đoạn nghiêm trọng, khi các trường học phải vật lộn để đối phó với tình trạng đóng cửa và mở cửa trở lại nhiều lần và chuyển sang học trực tuyến, nếu có thể. Tuy nhiên, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các biện pháp khẩn cấp.

COVID-19 làm thay đổi thế giới năm 2020 với nhiều khác biệt

 Trẻ em Ấn Độ học tập trong bối cảnh đại dịch COVID-19 (Ảnh: UNICEF)

Tác động toàn cầu của sự gián đoạn chưa từng có

Việc đóng cửa trường học do cuộc khủng hoảng y tế vì đại dịch COVID-19 không phải là điều mới, ít nhất là ở các nước đang phát triển, và những hậu quả tàn khốc có thể gây ra đã được biết rõ: mang thai ở tuổi vị thành niên và kết hôn sớm.

Điều khiến đại dịch COVID-19 khác biệt với tất cả các cuộc khủng hoảng khác là nó đã ảnh hưởng đến trẻ em ở mọi nơi và cùng một lúc.

Chính những trẻ em nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi trường học đóng cửa. Đó là lý do tại sao Liên hợp quốc vội vã vận động để tiếp tục học tập và mở các trường học an toàn, nếu có thể, khi các quốc gia bắt đầu áp dụng các biện pháp an toàn.

Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azoulay đánh giá: “Thật không may, quy mô và tốc độ của tình trạng gián đoạn giáo dục hiện nay trên toàn cầu là chưa từng có và nếu kéo dài, nó có thể đe dọa quyền được học tập”.

Giáo dục nhờ kỹ thuật số

Trong bối cảnh khủng hoảng do đại dịch COVID-19, các học sinh và giáo viên phải chật vật với công nghệ hội họp xa lạ, một trải nghiệm mà nhiều người cảm thấy khó quản lý, nhưng đó lại là cách duy nhất để bảo đảm tính liên tục của một cuộc hội họp đối với nhiều người.

Tuy nhiên, đối với hàng triệu trẻ em, ý tưởng về một lớp học ảo trực tuyến là một giấc mơ không thể đạt được. Vào tháng 4, UNESCO đã tiết lộ những lỗ hổng đáng ngạc nhiên trong giáo dục từ xa kỹ thuật số, với dữ liệu cho thấy khoảng 830 triệu học sinh không có quyền truy cập vào máy tính. Bức tranh đặc biệt ảm đạm ở các nước thu nhập thấp: gần 90% học sinh ở vùng cận Sahara, châu Phi, không có máy tính ở nhà, trong khi 82% không thể kết nối internet.

Theo một nhà chức trách của UNICEF, “một cuộc khủng hoảng học tập đã tồn tại trước khi COVID-19 bùng phát” và “hiện chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng giáo dục thậm chí còn gây chia rẽ hơn và trở nên tồi tệ hơn”.

Tuy nhiên, ở nhiều nước đang phát triển, nơi học trực tuyến hoặc máy tính không phải là một lựa chọn cho hầu hết sinh viên, radio vẫn có sức mạnh tiếp cận hàng triệu người và được sử dụng để duy trì một số hình thức giáo dục.

Tại Nam Sudan, Đài phát thanh Miraya, một nguồn tin tức rất đáng tin cậy do Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) quản lý, đã bắt đầu phát sóng các chương trình giáo dục cho nhiều trẻ em, do các biện pháp chống lại COVID-19 không thể duy trì trong lớp học.

Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Đài Okapi, do Phái bộ Liên hợp quốc tại đây (MONUSCO) quản lý, phát sóng các chương trình giáo dục trên sóng của nước này.

Tác động tàn phá đến cả một thế hệ

Mặc dù những nỗ lực được triển khai tích cực như vậy song vào tháng 8, Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng tác động lâu dài của việc gián đoạn giáo dục có thể tạo ra một "thế hệ mất mát" của trẻ em ở châu Phi. Một cuộc khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với 39 quốc gia ở châu Phi cận Sahara cho thấy trường học chỉ được mở ở 6 quốc gia và mở một phần trong 19 nước khác.

Vào cuối năm nay, khoảng 320 triệu trẻ em trên thế giới vẫn không được đến trường và UNICEF buộc phải kêu gọi các chính phủ ưu tiên mở lại trường học, đồng thời làm cho lớp học an toàn nhất có thể. “Những gì chúng ta đã học được về việc đi học trong thời kỳ COVID là rất rõ ràng: Lợi ích của việc giữ cho các trường học mở cửa vượt xa chi phí đóng cửa và nên tránh hoàn toàn việc đóng cửa trường học trên toàn quốc” – ông Robert Jenkins, người đứng đầu bộ phận giáo dục toàn cầu của UNICEF, cho biết.

Theo chuyên gia của UNICEF, cần có các chính sách mạnh mẽ hơn từ các cơ quan chức năng của các quốc gia hơn là đóng cửa hàng loạt trường học, vì phần lớn thế giới đang trải qua đỉnh điểm về số ca nhiễm COVID-19 và việc tiêm chủng vaccine vẫn nằm ngoài khả năng của hầu hết mọi người. “Thực tế cho thấy trường học không phải là động lực chính gây ra đại dịch này. Tuy nhiên, chúng ta đang thấy một xu hướng đáng báo động là các chính phủ lại một lần nữa đóng cửa trường học như một giải pháp đầu tiên chứ không phải là giải pháp cuối cùng” – ông Jenkins nhấn mạnh. “Trẻ em tiếp tục phải chịu những tác động tàn phá đến việc học tập, sức khỏe tinh thần và thể chất và sự an toàn của chính các em”./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực