Đoàn kết quốc tế để xây dựng lại thế giới sau đại dịch COVID-19

Thứ sáu, 04/09/2020 16:31
(ĐCSVN) – Phát biểu tại hội nghị trực tuyến đặc biệt của các Ngoại trưởng Nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển và mới nổi (G20), ngày 3/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres một lần nữa kêu gọi đoàn kết quốc tế và phối hợp hành động nhằm xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn sau đại dịch COVID-19.
 Một hệ thống lưới điện mini năng lượng mặt trời ở Eritrea cung cấp cho hai thị trấn nông thôn và các làng xung quanh (Ảnh: UN).

Hội nghị trực tuyến vừa được tổ chức do Saudi Arabia chủ trì, nhằm thảo luận biện pháp nới lỏng hạn chế đi lại và tăng cường hợp tác xuyên biên giới, sau nhiều tháng áp dụng các lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo nhà lãnh đạo Liên hợp quốc, “khi chúng ta làm việc cùng nhau để thoát khỏi vấn đề này, điều quan trọng là phải tiến lên một cách đồng bộ”. Tổng thư ký António Guterres cũng thúc giục G20 thống nhất các tiêu chí khách quan chung để xóa bỏ các hạn chế đi lại, dựa trên bằng chứng khoa học. Ông cũng nhận thấy cần phải tăng cường đầu tư vào các hệ thống và thực tiễn thúc đẩy việc đi lại an toàn, phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân.

Bên cạnh đó, nhân dịp này, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi tăng cường phối hợp các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là việc áp dụng một cách hệ thống hơn quy trình kiểm tra và truy tìm và các hành động đã được chứng minh khác để ngăn chặn sự lây lan của virus và cho phép kiểm soát hiệu quả các tác động có thể có khi tăng cường vận động. Ông cũng kêu gọi bảo đảm tôn trọng đầy đủ nhân quyền và luật tị nạn quốc tế.

Thêm vào đó, nhà lãnh đạo Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh rằng vaccine ngừa COVID-19 trong tương lai cần được coi là hàng hóa công cộng toàn cầu, có sẵn và giá cả phải chăng ở mọi nơi.

Cùng nhau chống lại đại dịch

Phát biểu trước các Ngoại trưởng G20, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng, nếu cùng nhau hành động, thế giới có khả năng chống lại đại dịch; nhưng cũng đồng thời lưu ý “sự thiếu đoàn kết quốc tế hiệu quả để ứng phó với các tác động kinh tế và xã hội cũng như những tổn thương tiềm ẩn do đại dịch gây ra”.

“Ngay từ đầu, Liên hợp quốc đã kêu gọi sự hỗ trợ lớn trên toàn cầu cho những người và quốc gia dễ bị tổn thương nhất” – ông António Guterres nêu rõ, và nhấn mạnh: "Chúng ta cần các cơ chế đoàn kết để bảo đảm rằng các nước đang phát triển cũng được hưởng lợi đầy đủ".

Theo ông Guterres, cần tăng cường các nguồn lực sẵn có cho các tổ chức tài chính quốc tế và làm nhiều hơn nữa để ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ đang leo thang. “Các giải pháp cho tình trạng khẩn cấp về nợ phải bao gồm việc gia hạn Sáng kiến Đình chỉ Dịch vụ Nợ cho đến ít nhất là cuối năm 2021, mở rộng phạm vi tiếp cận của nó đối với tất cả các nước dễ bị tổn thương” – Tổng thư ký cho biết. Chúng ta phải tận dụng các dòng vốn xuyên biên giới để ứng phó với khủng hoảng bằng cách duy trì thanh khoản toàn cầu, giảm chi phí chuyển tiền và chống lại các dòng tài chính bất hợp pháp.

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, để phục hồi tốt hơn, chúng ta cũng phải giải quyết vấn đề bất bình đẳng sâu sắc, đặc biệt là bất bình đẳng giới.

Ông kết luận: “Hơn bao giờ hết, chúng ta cần sự đoàn kết quốc tế hiệu quả - và hành động phối hợp từ G20 - để thúc đẩy các lĩnh vực ưu tiên này và xây dựng một thế giới hòa nhập hơn, linh hoạt và bền vững hơn cho tất cả mọi người”./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực