Thứ ba, 22/05/2018 17:45 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Hạn hán, giá cả hàng hóa suy giảm, bất ổn chính trị và các cuộc xung đột đã làm suy yếu các nền kinh tế Đông Phi trong hai năm qua.
Hạn hán và xung đột làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến
nền kinh tế các quốc gia Đông Phi. (Ảnh: The East African)
Báo cáo kinh tế vĩ mô và Phát triển xã hội khu vực Đông Phi năm 2018 do Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc đưa ra ngày 21/5 cho thấy, kinh tế khu vực này đã giảm từ mức tăng trưởng trung bình 6,65% trong giai đoạn 2012 – 2016 xuống còn 5,5% trong hai năm qua.
Mức tăng trưởng kinh tế nói chung của 22 quốc gia thành viên khu vực Đông Phi đều ghi nhận đà giảm. Trong đó, Tanzina – một trong số những nền kinh tế lớn nhất khu vực, ghi nhận mức giảm tăng trưởng kinh tế từ 8,5% trong năm 2016 xuống còn 7,8% trong quý II năm 2017.
Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, trong khi tỷ trọng đóng góp GDP của hầu hết các quốc gia là tương đối ổn định, thì Nam Sudan lại có sự suy giảm đáng kể từ khoảng 9% trong năm 2011 xuống còn 1% trong năm 2016 giữa bối cảnh nước này đang xảy ra bất ổn chính trị và giảm mạnh sản lượng dầu thô.
Nhiều quốc gia khác như Kenya, Uganda hay Rwanda… cũng chịu tác động nặng nề từ tình trạng hạn hán và các cuộc xung đột, dẫn đến sản lượng nông nghiệp giảm đi đáng kể.
Đông Phi được coi là một trong những khu vực phát triển kinh tế nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều quốc gia ở khu vực này vẫn nằm trong danh sách những nước nghèo nhất thế giới. Theo ước tính của tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children), khoảng 4,7 triệu trẻ em ở khu vực này có nguy cơ bỏ học trong năm nay do tình trạng suy sinh dưỡng tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi nạn hạn hán và xung đột vũ trang. Trong đó, tại các nước Kenya, Ethiopia, Somalia, mỗi tuần có khoảng 90.000 trẻ em bỏ học./.
Kiều Giang (theo The East African, Relief Web)