Các chuyên gia nhận định khoảng cách bất bình đẳng giữa học sinh có điều kiện và học sinh nghèo, vốn tồn tại trong các hệ thống giáo dục, ngày càng trở bị nới rộng do việc đóng cửa trường học trên toàn thế giới.
|
Học sinh học trực tuyến sau khi nhiều trường học phải đóng cửa do dịch COVID-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: THX/TTXVN) |
Theo thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), 188 quốc gia trên thế giới đã thực hiện đóng cửa trường học các cấp từ ngày 4/5, ảnh hưởng đến 91,3% học sinh, sinh viên. Tổng số học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng là 1.576.021.818 người.
Ảnh hưởng của việc đóng cửa trường học kéo dài khiến hoạt động dạy – học bị gián đoạn. Trong bối cảnh các nhà làm giáo dục thi nhau tung ra các khóa học trực tuyến, các chuyên gia khắp nơi trên thế giới đã bày tỏ lo ngại lo ngại cuộc khủng hoảng COVID-19 đang ngày càng khuếch đại tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục, khiến học sinh trong gia đình có thu nhập thấp gặp bất lợi hơn so với các bạn đồng lứa có điều kiện. Nhóm học sinh yếu thế này là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các em không có gian học tập phù hợp, không có đủ trang thiết bị để học trực tuyến cũng như dễ gặp một số vấn đề tâm lý.
|
Một trường học phải đóng cửa do dịch COVID-19 tại Halle/Saale, Đức (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Hiện tại Anh, các giáo viên và hội đồng chấm thi dựa vào kết quả các kỳ kiểm tra và đánh giá để ước lượng điểm số cho kỳ thi lấy Chứng chỉ Giáo dục Trung học phổ thông (GCSE) – một phần của chương trình giảng dạy quốc gia dành cho học sinh Vương quốc Anh từ 14-16 tuổi vào năm lớp 10 và 11. Tuy nhiên, một nghiên cứu được tổ chức từ thiện giáo dục Sutton Trust thực hiện năm 2017 cho thấy những trẻ có hoàn cảnh khó khăn nhiều khả năng bị điểm kém hơn so với các bạn cùng lứa sống trong gia đình có điều kiện.
Tại nhiều quốc gia, một bộ phận lớn người dân thiếu các công cụ cần thiết để kết nối - có thể là một thiết bị hoạt động hay kết nối internet ổn định. Cái gọi là “sự phân chia kỹ thuật số này” đặc biệt rõ nét ở Trung Quốc, nơi có hơn 540 triệu người - hoặc gần 40% dân số - không được tiếp cận Internet, theo một báo cáo của cơ quan chính phủ hồi năm 2019. Nhiều em nhỏ, đã từng phải đi bộ hàng km để đến trường học gần nhất, bây giờ phải xoay sở với vấn đề tiếp cận kỹ thuật số trong giai đoạn phong tỏa, tạo thêm áp lực cho các em. Ngày 2/3 vừa qua, Sở Giáo dục tỉnh Hà Nam (Henan) đã yêu cầu chính quyền thành phố tìm kiếm và giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn thiếu công nghệ cần thiết để học trực tuyến.
|
Một trường học phải đóng cửa do dịch COVID-19 tại Texas, Mỹ, ngày 11/4/2020
(Ảnh: THX/TTXVN) |
Tại Mỹ, Ủy ban Truyền thông Liên bang ước tính có 21 triệu người Mỹ chưa được truy cập băng thông rộng vào năm 2019. Theo khảo sát năm 2015 của hãng nghiên cứu Pew, tình cảnh thiếu kết nối internet để các em làm bài tập về nhà rõ rệt hơn ở các gia đình da màu, các gia đình nói tiếng Tây Ban Nha và có thu nhập thấp hơn. Một khảo sát khác của Pew năm 2018 cho thấy ngay cả trước đại dịch, khoảng 17% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 13 đến 17 cho biết họ thường - hoặc đôi khi - không thể hoàn thành bài tập về nhà vì thiếu kết nối Internet hoặc không có máy tính.
Mặt khác, các biện pháp phong tỏa cũng khiến nhiều em học sinh không có một nơi yên tĩnh để làm việc hoặc không được tạo điều kiện để học tập tại nhà. Tình hình trở nên tồi tệ hơn do tình trạng bất ổn kinh tế gia tăng. Đối với nhiều trẻ em ở khu vực hạ Sahara ở châu Phi, việc học trực tuyến không phải là một sự lựa chọn. Đặc biệt, những bé gái ở các quốc gia nghèo chịu thiệt thòi lớn nhất, khi đây là những nước có nền kinh tế trì trệ, dễ bị tác động, chênh lệch giới tính trong giáo dục ở mức cao nhất.
|
Học sinh học trực tuyến sau khi nhiều trường học phải đóng cửa do dịch COVID-19 ở Pamekasan, Đông Java, Indonesia (Ảnh: THX/TTXVN) |
UNESCO cho biết ở Mali, Niger và Nam Sudan, 3 quốc gia với tỷ lệ học sinh nữ nhập học và tốt nghiệp thấp nhất thế giới, trường học tạm dừng hoạt động khiến hơn 4 triệu học sinh nữ thất học. Chuyên gia lo ngại khủng hoảng sẽ xảy ra như hồi dịch Ebola năm 2015, khi số lượng bé gái tại Sierra Leone bị bạo hành và lạm dụng tăng cao trong thời gian trường học đóng cửa. Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra việc đóng cửa trường học làm tăng nguy cơ bé gái bị bạo hành, lạm dụng thể xác. Giám đốc chính sách châu Phi của tổ chức Save the Children Eric Hazard (Ê-rích Ha-dát) cho biết trẻ em không được đến trường cũng có nguy cơ cao bị bóc lột sức lao động, bị lạm dụng, đặc biệt trẻ em gái thường nhiều khả năng không bao giờ được quay lại trường. Khi áp lực đè nặng lên các gia đình có thu nhập thấp, trẻ em có thể buộc phải làm việc để tăng thu nhập gia đình hoặc là nạn nhân của nạn tảo hôn.
Bên cạnh đó, việc trường học đóng cửa kéo dài cũng phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của các em học sinh. Ngày càng có nhiều trẻ em nhận thức được tình trạng khẩn cấp về sức khỏe và tìm kiếm sự hỗ trợ. Childline, đường dây trợ giúp điện thoại khẩn cấp 24 giờ cho trẻ em ở Ấn Độ, đã ghi nhận số cuộc gọi đến tăng 50% kể từ khi lệnh phong tỏa được triển khai./.