Thứ ba, 16/06/2020 17:06 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Ước tính có khoảng 1,7 tỷ người – tương đương 20% dân số thế giới có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 nặng do có sẵn những bệnh lý nền như béo phì hay tim mạch…
|
20% dân số thế giới có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 nặng do có sẵn những bệnh lý nền
(Ảnh minh họa: Bangkok Post)
|
Nghiên cứu do nhóm chuyên gia đến từ trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London thực hiện. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet ngày 16/6.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích các bộ dữ liệu toàn cầu về các bệnh như đái tháo đường, bệnh phổi và HIV để ước tính có bao nhiêu người trong số này có nguy cơ cao mắc COVID-19 ở thể nặng. Kết quả cho thấy, có 1/5 số người (tương đương 20%) có ít nhất 1 bệnh lý nên có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn. Mặc dù không phải tất cả người này đều sẽ phát triển triệu chứng nặng nếu mắc COVID-19, song khoảng 4% dân số thế giới, tương đương 350 triệu người, có thể phải nhập viện để điều trị sau khi mắc đại dịch này.
Phù hợp với các nghiên cứu khác về nguy cơ mắc COVID-19, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng người già có nguy cơ mắc COVID-19 ở thể nặng nhiều hơn các nhóm tuổi khác.
Ở các nước có dân số trẻ hơn, tỷ lệ người có ít nhất một bệnh lý nền ít hơn nhưng tỷ lệ mắc bệnh lý nền thay đổi tùy theo các quốc gia trên toàn cầu. Chẳng hạn, những quốc đảo nhỏ như Fiji và Mauritius nằm trong nhóm mắc bệnh đái tháo đường cao nhất thế giới, căn bệnh mãn tính này được xem là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 ở mức độ nghiêm trọng.
Trong khi đó, các quốc gia có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao nhất như Swatini và Lesotho, cũng được khuyến cáo hết sức cảnh giác trước nguy cơ mắc COVID-19. Ở châu Âu, nơi nền kinh tế và y học phát triển hơn, trên 30% dân số sống chung với ít nhất một bệnh lý nền.
Andrew Clark – một trong những người có đóng góp cho nghiên cứu cho biết, những kết quả này có thể giúp các Chính phủ đưa ra quyết định về việc ai sẽ được nhận vaccine COVID-19 trước, sau khi giới khoa học tìm ra được vaccine phòng bệnh.
Số liệu mới nhất về tình hình COVID-19 cho thấy, trên toàn thế giới đã có 8.136.232 ca mắc bệnh, trong đó 439.554 ca đã tử vong./.
Kiều Giang (theo Bangkok Post/ AFP)