Liên hợp quốc: Đại dịch COVID-19 làm gia tăng nạn đói

Thứ sáu, 18/09/2020 15:46
(ĐCSVN) – Các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc ngày 17/9 lên tiếng cảnh báo với Hội đồng Bảo an về tình trạng nhiều quốc gia, trong đó có Yemen và Nam Sudan, đã bị đe dọa bởi nạn đói do đại dịch COVID-19.

Hơn 22 triệu người trên thế giới đã bình phục sau khi nhiễm COVID-19

 Một bé trai bị suy dinh dưỡng tại Yemen .(Ảnh: UNICEF)

Hai năm trước, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2417, trong đó kêu gọi thông báo nhanh chóng về nguy cơ xảy ra nạn đói liên quan đến xung đột.

Đại diện Cơ quan điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) Mark Lowcock, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) Qu Dongyu, và người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley đã cùng gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các thành viên Hội đồng về tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng và nguy cơ nạn đói ở một số quốc gia. Ông Lowcock lưu ý: “Trước đại dịch COVID-19 (…), chúng ta đã đến thời điểm mà nguy cơ đói kém chỉ giới hạn ở những khu vực xung đột”.

Theo báo cáo của Mạng lưới Toàn cầu Chống Khủng hoảng Lương thực năm 2019, 135 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng trước đại dịch COVID-19. Và hiện tại, số người bị đói cấp tính được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi trong năm nay, lên tới 270 triệu người.

Ngoài Yemen và Nam Sudan, đại diện cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết ông "đặc biệt quan tâm đến Cộng hòa Dân chủ Congo" khi tại quốc gia Trung Phi này, gần 22 triệu người hiện đang bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng - con số cao nhất trên thế giới - do đại dịch COVID-19 vốn đang làm trầm trọng thêm tác động của nhiều thập kỷ xung đột. Ông Mark Lowcock cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở Đông Bắc Nigeria, nơi bạo lực từ các nhóm vũ trang cực đoan làm gia tăng nhu cầu cứu trợ nhân đạo ở quốc gia Tây Phi này.

Tại khu vực Sahel của châu Phi, bạo lực bùng phát và những cuộc tấn công của các nhóm vũ trang đã buộc hơn một triệu người phải di dời, trong đó hầu hết sống dựa vào nông nghiệp. “Tổng cộng, khoảng 14 triệu người phải đối mặt với khủng hoảng hoặc mức độ khẩn cấp của tình trạng mất an ninh lương thực - những con số cao nhất trong một thập kỷ. Riêng ở Burkina Faso, 3,3 triệu người hiện đang bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng và nạn đói ngày càng gia tăng” – ông Lowcock lưu ý.

Trong bối cảnh đó, trưởng cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc cho rằng Hội đồng Bảo an và các quốc gia thành viên có thể thực hiện nhiều biện pháp cụ thể: “Đầu tiên, nhấn mạnh rằng các giải pháp chính trị hòa bình và thương lượng sẽ chấm dứt xung đột vũ trang. Thứ hai, để bảo đảm rằng các bên trong xung đột tôn trọng luật nhân đạo quốc tế. Và thứ ba, để giảm thiểu tác động kinh tế của xung đột vũ trang và bạo lực liên quan, trong đó thông qua cách huy động các tổ chức tài chính quốc tế”. Và điều quan trọng nhất, theo ông Lowcock là: tăng cường hỗ trợ cho các hoạt động nhân đạo và thực hiện các biện pháp lớn hơn và tham vọng hơn để hỗ trợ nền kinh tế của các quốc gia đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng và quy mô lớn.

Theo ông Mark Lowcock, tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng là một trong những hậu quả chính của đại dịch COVID-19. Lịch sử cho thấy rằng ngay cả giữa một cuộc xung đột thì nạn đói vẫn có thể tránh được. Để ngăn chặn nó, chúng ta phải hành động. Và chúng ta phải hành động đúng lúc để tạo ra sự khác biệt” – ông kết luận. Tuy nhiên, "thật không may, ở quá nhiều nơi, thời gian lại sắp hết"./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP, Reuters)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực