Liên hợp quốc thúc đẩy hoạt động cứu trợ tại nhiều nước trên thế giới

Thứ năm, 07/09/2023 00:25
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Các tổ chức nhân đạo của Liên hợp quốc, ngày 5/9 thông báo về việc đã phân bổ 125 triệu USD nhằm thúc đẩy các hoạt động cứu trợ bị thiếu kinh phí ở 14 quốc gia trên phạm vi toàn thế giới.
Người dân nhận lương thực cứu trợ tại Ayod (Nam Sudan). (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề nhân đạo kiêm Giám đốc cứu trợ của Liên hợp quốc – ông Martin Griffiths đã ủy quyền phân bổ từ Quỹ ứng phó khẩn cấp của Liên hợp quốc (CERF) cho các hoạt động cứu trợ ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ và Trung Đông.

OCHA cho biết khoản tiền cứu trợ 125 triệu USD sẽ giúp cải thiện cuộc sống của 250 triệu người bị ảnh hưởng bởi xung đột, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, di dời và các cuộc khủng hoảng khác.

Nguồn tài trợ bổ sung này đã nâng mức tiền phân bổ của CERF trong năm 2023 lên mức 270 triệu USD thông qua cơ chế dành cho các trường hợp khẩn cấp thiếu vốn. Đây là mức phân bổ cao kỷ lục kể từ khi CERF được thành lập vào năm 2005, phản ánh nhu cầu hỗ trợ nhân đạo đang tăng vọt.

OCHA tin tưởng rằng, việc phân bổ CERF sẽ giúp tăng quy mô hỗ trợ nhân đạo đối với một số cuộc khủng hoảng kéo dài, ít được “quan tâm” nhất trên thế giới. Điển hình là Afghanistan và Yemen mỗi nước sẽ nhận được 20 triệu USD; Burkina Faso và Myanmar (mỗi nước 9 triệu USD); Haiti và Mali (8 triệu USD mỗi nước). Chiến dịch hỗ trợ người tị nạn tại Bangladesh nhận được 8 triệu USD, trong khi Uganda được hỗ trợ 6 triệu USD…

Theo OCHA, trong năm 2023, Liên hợp quốc huy động số tiền hơn 55 tỷ USD cho các hoạt động tài trợ nhân trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay các khoản tài trợ mới chỉ đáp ứng dưới 30% nhu cầu trên. Điều này đã phản ánh “nhu cầu nhân đạo tăng vọt trong khi trên thực tế, nguồn tài trợ thường xuyên của các nhà tài trợ lại không theo kịp”.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề nhân đạo kiêm Giám đốc cứu trợ của Liên hợp quốc – ông Martin Griffiths. (Ảnh: Reuters) 

Về phía ông Griffiths cũng chỉ ra một thực tế đáng buồn đó là, các cơ quan viện trợ thường chỉ huy động được rất ít nguồn tài trợ vào đúng thời điểm nhu cầu của người dân gia tăng và buộc họ phải mở rộng quy mô. “Nhờ có sự hào phóng của nhiều nhà tài trợ, chúng tôi có thể tin tưởng rằng CERF sẽ lấp đầy được những khoảng trống, với kết quả thu lại là chúng ta sẽ cứu được nhiều mạng sống. Tuy nhiên, chúng tôi cũng kêu gọi các nhà tài trợ cá nhân cùng tham gia - đây là quỹ của tất cả và dành cho tất cả" - Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ những quan ngại nói trên, Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Farhan Haq cảnh báo, hàng triệu người sẽ bị đói trong năm nay trừ khi các nhà tài trợ cung cấp gần 39 tỷ USD để đáp ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc.

Trong lời phát biểu ngày 5/9, ông Haq lưu ý rằng, trong tháng này, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã buộc phải cắt nguồn hỗ trợ lương thực cho thêm 2 triệu người ở Afghanistan vì thiếu kinh phí, nâng tổng số người Afghanistan bị mất viện trợ trong năm nay lên 10 triệu.

Trong những tháng tới, WPF cho biết tổ chức này chỉ có đủ khả năng cung cấp lương thực cho 3 triệu người. Cơ quan có trụ sở tại Rome cho biết họ sẽ cần 1 tỷ USD để tiếp cận 21 triệu người đang cần trợ giúp trong vòng 6 tháng tới./.

T.Lan (Theo Xinhua, The Star/AP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực