Mỹ điều chỉnh chính sách đối với tiến trình hòa bình Trung Đông

Thứ tư, 09/09/2020 22:20
(ĐCSVN) - Từ khi lên nắm quyền năm 2017, Tổng thống Mỹ D. Trump đã có những thay đổi lớn trong cách tiếp cận đối với khu vực Trung Đông nói chung và xung đột Israel – Arab nói riêng. Những thay đổi trên đã tác động mạnh tới tình hình khu vực Trung Đông, đặc biệt là xung đột Israel – Palestine và tập hợp lực lượng tại khu vực. Cách tiếp cận mới của Chính quyền Trump đã tạo ra phản ứng rất khác nhau từ người Palestine, các nước Arab/Hồi giáo và cộng đồng quốc tế, bao gồm cả một số đồng minh của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông cạnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 28/1. (Nguồn: AP) 

Một số điều chỉnh lớn trong chính sách của Chính quyền Trump đối với Tiến trình hòa bình Trung Đông

Kể từ khi lên nắm quyền tháng 1/2017, Tổng thống D. Trump đã quan tâm đến khu vực Trung Đông – châu Phi. Khác với những người tiền nhiệm như Tổng thống George W. Bush hay Tổng thống B. Obama , ông D. Trump đã chọn Trung Đông làm điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống (trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên vào tháng 5/2017, Tổng thống D. Trump đã đi thăm Saudi Arabia, Israel và Palestine tại khu vực Trung Đông, cùng với một số nước tại châu Âu). Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống D. Trump cũng đã đưa ra nhiều quyết định gây bất ngờ đối với khu vực Trung Đông như rút khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung về vấn đề hạt nhân Iran (JCPOA) vào tháng 5/2018 hay tuyên bố rút quân đội Mỹ khỏi Syria (12/2018).

Đối với Tiến trình hòa bình Trung Đông, Chính quyền Tổng thống D. Trump đã có những bước đi gây nhiều tranh cãi, đi ngược lại với quan điểm lâu nay của nhiều Chính quyền tại Mỹ, cụ thể: Công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan (3/2019); Công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem và vận động một số nước có động thái tương tự (6/2017); Cho rằng việc xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây là không trái với luật pháp quốc tế; Công bố văn kiện “Từ Hòa bình đến Thịnh vượng: Tầm nhìn nhằm cải thiện cuộc sống của nhân dân Israel và Palestine”, còn được biết đến với tên gọi “Thỏa thuận thế kỷ” (1/2020) với một số nội dung bị cho là “thiên vị” đối với Israel trong việc giải quyết tranh chấp về lãnh thổ với Palestine; Thúc đẩy việc “hòa giải” giữa Israel với một số nước Arab như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Sudan...

Ngoài ra, trong nhiệm kỳ của Tổng thống D. Trump, Mỹ có một số động thái bị cho là gia tăng sức ép về chính trị và kinh tế đối với Palestine như đóng cửa Phái bộ của Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) tại Washington; ngừng đóng góp tài chính cho Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho người tị nạn Palestine (UNRWA).

Những động thái trên của Chính quyền Tổng thống D. Trump đã cho thấy sự khác biệt lớn so với chính sách của các Chính quyền trước đây của Mỹ đối với Tiến trình hòa bình Trung Đông, gây ra phản ứng trái chiều từ người Palestine, nhiều nước Hồi giáo/Arab và cộng đồng quốc tế, bao gồm cả một số đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Đức...

Nguyên nhân điều chỉnh chính sách của Chính quyền Trump đối với Tiến trình hòa bình Trung Đông

Có nhiều nguyên nhân khiến ông D. Trump lựa chọn cách tiếp cận “táo bạo”, khác biệt so với những người tiền nhiệm đối với Tiến trình hòa bình Trung Đông, trong đó có các nhóm nguyên nhân chính sau:

Nguyên nhân bên trong: Thứ nhất, tính cách cá nhân của ông D. Trump. Ông D. Trump vốn được biết đến là một doanh nhân thực dụng, đề cao tính hiệu quả và luôn thực hiện các cam kết của mình. Ngay trước và trong giai đoạn tranh cử Tổng thống năm 2016, ông D. Trump đã tỏ quan tâm đến khu vực Trung Đông và nhiều lần thể hiện các quan điểm khác biệt của mình xung quanh các thành tố cốt lõi của Tiến trình hòa bình Trung Đông. Những quan điểm này được đánh giá là mang hơi hướng ủng hộ Israel trong xung đột với Palestine và các nước Arab, cụ thể: i) không phản đối việc Israel xây dựng các khu định cư ; ii) công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ về đây.

Thứ hai, việc đội ngũ cố vấn cao cấp của Tổng thống D. Trump về vấn đề Trung Đông hiện nay bao gồm Jared Kushner (con rể đồng thời là cố vấn), Avi Berkowitz (đặc phái viên về vấn đề Trung Đông), David Friedman (Đại sứ Mỹ tại Israel) đều là người gốc Do Thái… Những cá nhân này có tác động lớn đến các chính sách của Mỹ đối với Israel.

Thứ ba, sự gắn kết của Chính quyền D. Trump với nền tảng Cơ Đốc giáo. Chính quyền hiện nay của Tổng thống D. Trump được đánh giá là Chính quyền có nền tảng Cơ Đốc giáo đậm nét nhất từ trước đến nay tại Mỹ. Nhiều các quan chức hàng đầu hiện nay như Phó Tổng thống M. Pence, Ngoại trưởng M. Pompeo đều là những người theo dòng Cơ Đốc giáo, vốn tin rằng người Do Thái có chủ quyền đối với vùng đất Jerusalem hiện nay. Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, cộng đồng cử tri theo Cơ Đốc giáo là một trong những khối cử tri quyết định thắng lợi cho ông D. Trump.

Ngoài ra, cá nhân Tổng thống D. Trump và gia đình cũng có nhiều liên hệ với Do Thái giáo. Con gái ông D. Trump, Ivanka Trump cùng chồng (Jared Kushner) đều là những người theo đạo Do Thái.

Nguyên nhân bên ngoài: Thứ nhất, sự thiếu hiệu quả trong cách tiếp cận truyền thống của Mỹ và cộng đồng quốc tế đối với Tiến trình hòa bình Trung Đông. Trên thực tế, có thể thấy cách tiếp cận bấy lâu nay của các chính quyền Mỹ và cộng đồng quốc tế chưa mang lại kết quả trên thực địa, dẫn đến sự bế tắc kéo dài của Tiến trình hòa bình Trung Đông. Do đó, ông Trump muốn có cách tiếp cận mới, theo hướng gây sức ép buộc các bên đi vào đàm phán dựa trên tình hình thực địa hiện nay, đi kèm với một số lợi ích về chính trị và kinh tế. Một số nhận định cho rằng cách tiếp cận này tuy có phần táo bạo và có phần “thiên vị” đối với Israel, song lại có thể mở ra một hướng đi mới giúp đưa Tiến trình hòa bình Trung Đông ra khỏi thế bế tắc hiện nay.

Thứ hai, những thay đổi trên thực địa tại khu vực Trung Đông đặt ra yêu cầu đối với Mỹ cần thay đổi về hình thức và nội hàm của sự ủng hộ đối với Israel. Trong thời gian qua, vai trò và vị thế của Israel về chính trị - an ninh tại khu vực Trung Đông ngày càng được gia tăng. Từ chỗ bị cô lập về chính trị - ngoại giao và phải lo đối phó với các đe dọa về an ninh từ các nước láng giềng, ngày nay Israel đã trở thành một cường quốc về an ninh – quốc phòng, là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 8 trên thế giới, có đủ khả năng để tự bảo đảm an ninh của mình, trong khi quan hệ giữa Israel với một số nước Arab hàng đầu đang ngày càng được cải thiện. Do đó, sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel cũng cần phải thay đổi, từ việc hỗ trợ nước này trong việc đảm bảo an ninh sang hướng nâng cao vị thế của Israel thông qua việc thúc đẩy hòa giải với các nước Arab và “hợp thức hóa” các phần lãnh thổ của nước này.

Thứ ba, sự điều chỉnh về tổng thể chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông thời gian qua. Theo đó, Mỹ muốn giảm dần sự can dự trực tiếp, đặc biệt là sự can dự bằng quân sự, vào các điểm nóng tại khu vực, đồng thời tăng cường năng lực và trách nhiệm của các đồng minh nhằm đảm bảo an ninh khu vực cũng như các lợi ích của Mỹ tại Trung Đông. Để làm được việc này, Mỹ cần thúc đẩy quá trình cải thiện quan hệ giữa các đồng minh của mình là Israel và một số nước Arab hàng đầu như Saudi Arabia, UAE, Ai Cập… nhằm thống nhất, tập trung thực hiện các chính sách, mục tiêu của Mỹ tại khu vực, trong đó có việc kiềm chế sự phát huy ảnh hưởng của Iran trong khu vực.  

Tác động của việc Mỹ điều chỉnh chính sách đối với Tiến trình hòa bình Trung Đông

Cách tiếp cận mới của Chính quyền Tổng thống D. Trump đối với vấn đề Tiến trình hòa bình Trung Đông trong thời gian qua đã tạo ra những tác động lớn đến tình hình khu vực, đặc biệt là về chính trị - an ninh, đồng thời tạo ra những tiền lệ về việc tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể:

Về chính trị - an ninh: Một là, làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Trung Đông, trong đó có thể kể đến các điểm nóng của khu vực như Tiến trình hòa bình Trung Đông, tình hình chiến sự tại Syria, Yemen, căng thẳng giữa Iran với Israel và các nước Hồi giáo theo dòng Sunni…

Hai là, thúc đẩy các hành động cực đoan từ cả hai phía Israel và Palestine. Theo đó, các tổ chức Hồi giáo trong khu vực như Hamas, Jihad (Palestine) hay Hezbollah (Lebanon) có thể tăng cường các hành động tấn công khủng bố vào các lợi ích của Mỹ, Israel tại khu vực. Một số ý kiến nhận định đã nhắc đến khả năng nổ ra một cuộc Intifada lần thứ 3 . Ở chiều ngược lại, cách tiếp cận của Mỹ cũng khuyến khích các hành động đơn phương của Israel tại khu vực. Thủ tướng Israel B. Netanyahu cho rằng với sự ủng hộ chưa từng có của Chính quyền D. Trump, đây là thời điểm tốt nhất để nước này tiến hành sáp nhập các vùng lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine.

Ba là, làm thay đổi tập hợp lực lượng trong khu vực. Sự điều chỉnh trong cách tiếp cận của Mỹ sẽ góp phần tạo ra những thay đổi về tập hợp lực lượng tại Trung Đông. Việc Mỹ gia tăng sức ép về chính trị - kinh tế đối với Palestine có thể sẽ khiến nước này xích lại gần với Nga, Trung Quốc… hay các nước lớn trong khu vực như Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ… Ngoài ra, cùng với sự cải thiện quan hệ giữa Israel với một số nước Arab như Saudi Arabia, UAE…, trục đồng minh giữa Iran, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ càng thắt chặt hợp tác nhằm tạo ra thế cân bằng trong khu vực. 

Về pháp lý: Các quyết định lớn của Chính quyền Trump liên quan đến Tiến trình hòa bình Trung Đông tạo tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế về việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Việc công nhận “chủ quyền” của Israel tại cao nguyên Golan, tạo điều kiện để Israel mở rộng, xây mới các khu định cư Do Thái trên lãnh thổ của người Palestine hay có kế hoạch đơn phương sáp nhập các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine là sự vi phạm đối với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Geneva thứ tư về việc “các lực lượng chiếm đóng không được đưa dân thường của nước mình đến các khu vực chiếm đóng”, các Nghị quyết liên quan của HĐBA/LHQ như Nghị quyết 242 (năm 1967) kêu gọi Israel rút khỏi các khu vực chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967, Nghị quyết 446 (năm 1979), Nghị quyết 2334 (năm 2016)… khẳng định các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây là “không có giá trị pháp lý”, cũng như các thỏa thuận song phương mà Israel và Palestine đã ký kết dưới sự trung gian của Mỹ như Thỏa thuận Oslo (ký năm 1993). 

Triển vọng chính sách của Mỹ đối với Tiến trình hòa bình Trung Đông

Chiều hướng chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông nói chung và Tiến trình hòa bình Trung Đông nói riêng trong thời gian sắp tới sẽ phụ thuộc vào các nhóm yếu tố sau:

Chính trị nội bộ của Mỹ: Giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có sự khác biệt nhất định trong quan hệ với Israel. Trong quá trình vận động cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, các ứng cử viên đảng Dân chủ như Thượng nghị sỹ Bernie Sanders hay cựu Phó Tổng thống Joe Biden đều khẳng định ủng hộ Israel nói chung, nhưng phản đối các hành động đơn phương của nước này, trong đó có việc mở rộng các khu định cư Do Thái hay kế hoạch sáp nhập lãnh thổ của Thủ tướng Israel B. Netanyahu.

Tuy nhiên, việc thúc đẩy quan hệ với Israel cũng như tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng cử tri và các tổ chức/hội đoàn Do Thái tại Mỹ luôn là ưu tiên hàng đầu về đối nội và đối ngoại của các đảng phái chính trị tại Mỹ. Do đó, trong thời gian tới, dù đảng nào lên cầm quyền, nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục các chính sách theo hướng có lợi cho Israel, đặc biệt là trong Tiến trình hòa bình Trung Đông. Ngày 27/7/2020, mặc dù phản đối việc Israel dự định đơn phương sáp nhập lãnh thổ của người Palestine nhưng với tỷ lệ 117/44 phiếu thuận, Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ đã bác bỏ đề xuất của một số thành viên cấp cao của Đảng này kêu gọi Chính phủ Mỹ xem xét lại các khoản viện trợ quân sự cho Israel nếu nước này đơn phương sáp nhập lãnh thổ Palestine; lên án các hoạt động định cư của người Do Thái trên lãnh thổ Palestine.

Cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn trên thế giới và tại Trung Đông: đây là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến cách tiếp cận của Mỹ tại Trung Đông, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn đang diễn ra ngày càng gay gắt. Trong thời gian qua, Nga và Trung Quốc đang can dự ngày càng sâu và thúc đẩy quan hệ nhiều mặt với các nước trong khu vực.

Một số ý kiến cho rằng việc Mỹ gia tăng sức ép với các nước trong khu vực như Palestine, Iran… sẽ tạo cơ hội cho các cường quốc ngoài khu vực như Trung Quốc và Nga mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông. Điều này được thể hiện qua thông tin gần đây về việc Trung Quốc và Iran có thể sẽ ký kết một thỏa thuận hợp tác dài hạn, mở rộng cánh cửa hợp tác giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực khác nhau như ngân hàng – tài chính, cảng biển, viễn thông... 

Ưu tiên chính sách của Mỹ tại Trung Đông: chính sách của Mỹ trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào trọng tâm, ưu tiên lợi ích của nước này trong khu vực. Trong bối cảnh năng lượng không còn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ tại Trung Đông như trước đây (từ năm 2018, Mỹ đã trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới ), trong thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy việc giảm dân sự can dự trực tiếp, xây dựng các quan hệ đồng minh chặt chẽ với một số “điểm neo” chính trong khu vực như Israel, Saudi Arabia-UAE nhằm đảm bảo an ninh khu vực, đồng thời kiềm chế ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc… tại Trung Đông.

Hành động của các nước lớn tại khu vực Trung Đông: các hành động của các nước lớn trong khu vực như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có tác động nhất định đến chính sách của Mỹ. Các động thái nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các nước này, đặc biệt là Iran, sẽ khiến Mỹ phải tăng cường can dự, đồng thời đẩy mạnh quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Iran với một số nước Arab nhằm đảm bảo an ninh khu vực Trung Đông cũng như các lợi ích trọng tâm của Mỹ và các đồng minh trong khu vực.

Sự lớn mạnh của Nhà nước Israel và ảnh hưởng của cộng đồng Do Thái tại Mỹ: Việc lôi kéo sự ủng hộ của khối này là ưu tiên hàng đầu của các đảng phái chính trị tại Mỹ. Trong bối cảnh Nhà nước Israel ngày càng có vị thế tại khu vực Trung Đông, ảnh hưởng của cộng đồng gốc Do Thái tại chính trường Mỹ tiếp tục phát triển, để có được sự ủng hộ của các cử tri gốc Do Thái, các đảng phái chính trị tại Mỹ có thể sẽ phải nhượng bộ nhiều hơn so với những gì họ vẫn đang làm. Đối với Tiến trình hòa bình Trung Đông, các Chính quyền Mỹ, ở các mức độ khác nhau, dự báo sẽ có cách ứng xử mềm dẻo đối với các hành động đơn phương của Israel trong các tranh chấp với người Arab nói chung và người Palestine nói riêng. 

Những yếu tố và phân tích ở trên cho thấy: những thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông nói chung và Tiến trình hòa bình Trung Đông nói riêng trong thời gian qua xuất phát chủ yếu từ những thay đổi trên thực địa tình hình tại khu vực; tương quan lực lượng giữa các bên; ưu tiên, trọng tâm lợi ích của Mỹ tại Trung Đông. Bên cạnh đó, các yếu tố như tính cách cá nhân của Tổng thống D. Trump hay sự ủng hộ của các thành viên trong Chính quyền và gia đình ông đối với Israel cũng đóng góp một phần vào việc đưa ra các quyết định mang tính bước ngoặt như trong thời gian qua của ông D. Trump.

Do đó, trong thời gian tới, nhiều khả năng Mỹ vẫn sẽ duy trì cách tiếp cận theo hướng như hiện nay đối với Tiến trình hòa bình Trung Đông. Cụ thể, sự ủng hộ đối với Israel được triển khai theo hướng thúc đẩy sự hòa giải giữa Israel với một số nước Arab, đồng thời tạo sức ép để Palestine chấp nhận đi vào đàm phán với Israel dựa trên những nội dung mà Chính quyền Mỹ đưa ra trong Thỏa thuận thế kỷ. Trong trường hợp ông D. Trump không tái đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 11/2020 sắp tới, có thể sẽ có một vài điều chỉnh nhỏ về cách thực hiện các chính sách trên đối với Tiến trình hòa bình Trung Đông, song sẽ không làm thay đổi tổng thể chiến lược của Mỹ đối với vấn đề này./.

 

Bùi Hà Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực