Nam Á là khu vực khan hiếm nước nghiêm trọng nhất trên thế giới

Thứ hai, 13/11/2023 16:23
(ĐCSVN) – Có tới 347 triệu thanh thiếu niên dưới 18 tuổi sinh sống tại Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ở mức cao hoặc cực kỳ cao. Đây cũng là con số cao nhất trong nhóm các khu vực được thống kê trên thế giới.
Theo UNICEF, 55% trẻ em ở Nam Á bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước. (Ảnh: Amarjeet Kumar Singh/AA)

Số liệu thống kê do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra ngày 13/11, cho thấy tác động nghiêm trọng của tình trạng khan hiếm nước đối với hàng trăm triệu trẻ em ở khu vực Nam Á. Đáng chú ý, con số này đại diện cho hơn một nửa số trẻ em sống trong khu vực. Trên thực tế, 8 quốc gia Nam Á (Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nepal, Maldives, Pakistan và Sri Lanka) là nơi sinh sống của hơn 1/4 trẻ em trên thế giới đang ngày càng bị ảnh hưởng bởi các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu như lũ lụt và hạn hán.

Báo cáo của UNICEF cho thấy, có đến 55% trẻ em ở Nam Á bị ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm nước - tỷ lệ cao nhất trên toàn thế giới.

“Biến đổi khí hậu đang làm gián đoạn các loại hình thời tiết và lượng mưa, dẫn đến việc khó dự đoán về nguồn nước … Với khí hậu ngày càng khó lường, tình trạng khan hiếm nước dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn đối với trẻ em ở Nam Á” – báo cáo của UNICEF nêu rõ.

Cũng theo UNICEF, sau Nam Á, Đông và Nam Phi sẽ những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất tiếp theo, với 130 triệu trẻ em đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng. Báo cáo còn cho biết thêm rằng cứ 3 trẻ em thì có 1 trẻ - tương đương 739 triệu trẻ em trên toàn thế giới, đang sống ở những khu vực có tình trạng khan hiếm nước cao hoặc rất cao.

“Tiếp cận nước sạch là quyền cơ bản của con người”

 Tiếp cận nước sạch là quyền cơ bản của con người. (Ảnh minh họa: Uma Shankar MISHRA/AFP)

Báo cáo được UNICEF đưa ra trước Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP28) sắp được tổ chức tại Dubai.

Báo cáo chỉ rõ, chất lượng nước kém, thiếu nước và quản lý yếu kém như bơm quá mức các tầng ngậm nước, trong khi hiện tượng biến đổi khí hậu lại đang làm giảm đi lượng nước bổ sung.

 “Khi giếng nước bị cạn kiệt, các hộ gia đình, trung tâm y tế và trường học đều bị ảnh hưởng” – UNICEF khẳng định.

Theo UNICEF, trong khuôn khổ COP, tổ chức này có kế hoạch thúc đẩy cộng đồng quốc tế thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo một hành tinh đáng sống cho trẻ em.

Giám đốc UNICEF khu vực Nam Á Sanjay Wijesekera nêu rõ tiếp cận nước sạch là quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang khiến hàng triệu trẻ em sinh sống tại các vùng ngập lụt, hạn hán thường phải đối mặt với nhiều sự kiện thời tiết khắc nghiệt khác ở Nam Á thậm chí không có đủ nước uống.

Năm ngoái, ước tính có tới 45 triệu trẻ em không được tiếp cận các dịch vụ nước uống cơ bản ở Nam Á, cao hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Tuy nhiên, UNICEF cho biết đang nỗ lực mở rộng các dịch vụ cung cấp nước sạch và con số kể trên dự kiến sẽ giảm một nửa vào năm 2030./.

T.Lan (Theo DW, France24)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực