Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3): Đoàn kết, hướng tới một thế giới không còn bệnh lao

Thứ sáu, 24/03/2017 14:49
(ĐCSVN) – Ngày Thế giới phòng chống lao được kỷ niệm vào ngày 24/3 hàng năm, là dịp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về dịch bệnh lao toàn cầu và nỗ lực nhằm ngăn ngừa và điều trị, tiến tới loại trừ bệnh lao.

Ngày 24/3 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng chống lao để đánh dấu sự kiện ngày này vào năm 1882 khi Tiến sĩ Robert Koch phát hiện nguyên nhân gây ra bệnh lao, đó là trực khuẩn lao. Đây là bước đầu tiên hướng tới chẩn đoán và chữa trị bệnh lao.

Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người, chỉ sau HIV/AIDS. (Ảnh: WHO)

Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới

Năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố Báo cáo về cuộc đấu tranh chống lại bệnh lao trên thế giới. Đây là báo cáo toàn cầu đầu tiên được công bố trong giai đoạn thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc và Chiến lược thanh toán bệnh lao của WHO. Báo cáo cung cấp đánh giá toàn diện về dịch bệnh lao và những tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị và phòng chống bệnh dịch, cũng như tổng quan về đầu tư và nghiên cứu về bệnh lao. Báo cáo cũng xem xét các chương trình rộng lớn hơn của bảo hiểm y tế toàn dân, bảo vệ xã hội và các Mục tiêu Phát triển Bền vững khác ảnh hưởng đến sức khỏe.

Dựa trên dữ liệu có sẵn của 202 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 99% dân số thế giới và bệnh lao, báo cáo cho biết, trong năm 2015, 10,4 triệu người trên thế giới đã bị nhiễm lao và 1,8 triệu người đã tử vong. Con số đánh giá này khiến cho bệnh lao trở thành căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới.

Không những thế, trong khi bệnh lao ảnh hưởng đến tất cả mọi người thì căn bệnh này lại đang đặc biệt lan rộng trong số những người dân phải sống trong nghèo đói, các cộng đồng và các nhóm đối tượng thiệt thòi, bị đẩy ra ngoài lề xã hội, và các nhóm dân số dễ bị tổn thương khác. Các nhóm dễ bị tổn thương có thể kể đến như: người di cư, người tị nạn, người dân tộc thiểu số, trẻ vị thành niên và những người làm việc trong điều kiện rủi ro cao, người già, phụ nữ và trẻ em bị thiệt thòi ở nhiều nơi,…  Thêm vào đó, một số yếu tố như: suy dinh dưỡng, nơi ở và vệ sinh môi trường không lành mạnh,… kết hợp với các yếu tố nguy cơ như: hút thuốc lá, uống rượu và bệnh tiểu đường, cũng làm tăng nguy cơ mắc lao và tác động không nhỏ tới việc tiếp cận với chăm sóc.

Ngoài ra, việc tiếp cận với các biện pháp chăm sóc và điều trị cho người mắc lao thường đi kèm với những chi phí rất cao liên quan đến bệnh tật, tham vấn, nằm viện và thiếu sự bảo trợ xã hội, tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn của nghèo đói và bệnh tật. Thêm vào đó, tình trạng bệnh lao kháng đa thuốc (MDR-TB) lại càng làm gia tăng những lo ngại về dịch bệnh này.

Hướng tới một thế giới không còn người mắc lao

Năm 2014, Hội đồng Y tế thế giới (WHA) đã phê duyệt Chiến lược thanh toán bệnh lao nhằm hướng tới một thế giới không có bệnh lao, không còn ai tử vong hay mắc bệnh hoặc phải chịu những đau khổ bắt nguồn từ bệnh lao. Được đánh giá là chiến lược mới nhất và nhiều tham vọng nhất của WHO, Chiến lược kêu gọi giảm 95% số ca tử vong do bệnh lao và giảm 90% tỷ lệ mắc bệnh lao vào năm 2035 so với năm 2015. Cũng trong giai đoạn này, không còn gia đình nào phải chịu những chi phí thảm khốc liên quan tới bệnh lao.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, loại trừ được bệnh lao, chúng ta có thể giảm được số ca nhiễm bệnh và tử vong, và loại bỏ gánh nặng kinh tế và xã hội mà bệnh lao gây ra. Ngược lại, mục tiêu này thất bại sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng ở cấp độ cá nhân và toàn cầu.

Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu này vào năm 2035, WHO kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới nhanh chóng áp dụng những chính sách năng động để hỗ trợ các chương trình phòng và chống lao, từng bước thanh toán căn bệnh nguy hiểm này. WHO cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết tìm ra các liệu pháp điều trị mới đối với bệnh lao thông qua hoạt động tăng cường nghiên cứu và phát minh trên toàn cầu.

Cụ thể, để đạt được các mục tiêu đề ra trong Chiến lược thanh toán bệnh lao, theo Tổ chức Y tế Thế giới, trước tiên, mức giảm tỷ lệ mắc bệnh lao toàn cầu hàng năm phải vượt từ 2% vào năm 2015 lên 10% vào năm 2025. Thêm vào đó, tỷ lệ người mắc lao tử vong phải giảm từ 15% vào năm 2015 xuống còn 6,5% vào năm 2025. Những chỉ tiêu đặt ra đầy tham vọng nhưng thế giới có thể đạt được với các công cụ hiện có, cộng với bảo hiểm y tế toàn dân và an sinh xã hội.

Ngoài ra, để duy trì tiến bộ vượt bậc tới năm 2025, đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030 và đạt được các mục tiêu mà Chiến lược thanh toán bệnh lao vào năm 2035, Tổ chức Y tế Thế giới lưu ý cần đưa ra các công cụ bổ sung vào năm 2025, cũng như tăng cường đầu tư trực tiếp, và thúc đẩy nghiên cứu và phát triển.

Kế hoạch thanh toán bệnh lao của WHO được đánh giá là một “cơ hội lịch sử” để loại trừ lao – căn bệnh đã “đeo bám” loài người từ hàng nghìn năm qua và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người, chỉ sau HIV/AIDS.

Đoàn kết để thanh toán bệnh lao: không để ai ra ngoài lề

Năm nay là năm thứ hai liên tiếp, chiến dịch trong Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3/2017) được Tổ chức Y tế Thế giới phát động với chủ đề: “Đoàn kết để thanh toán bệnh lao”. Năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới đặc biệt nhấn mạnh tới những nỗ lực nhằm “không để ai ra ngoài lề”, với các hành động nhằm chống lại sự kỳ thị, phân biệt đối xử, gạt ra ngoài lề và vượt qua những rào cản để tiếp cận với chăm sóc và điều trị.

Chương trình phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã đưa ra các nguyên tắc bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong các nỗ lực để biến đổi thế giới và cải thiện đời sống của người dân. Theo WHO, bằng cách đáp ứng các nhu cầu về sức khỏe của những người thiệt thòi, dễ bị tổn thương, không được bao phủ bởi hệ thống y tế, chúng ta sẽ cải tiến để tất cả mọi người đều được truy cập vào các dịch vụ y tế. Đây là điều cần thiết để đạt được các mục tiêu nhằm đẩy lùi và loại trừ bệnh lao vào năm 2030, như một phần của Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc và Chiến lược của WHO nhằm loại trừ bệnh lao.

Ngày Thế giới phòng chống lao là dịp dành cho tất cả những người dân và cộng đồng bị ảnh hưởng, các tổ chức xã hội dân sự, nhân viên y tế, các nhà hoạch định chính sách, các đối tác phát triển và những đối tượng khác. Đây cũng là một nền tảng để ủng hộ sự hợp tác, thảo luận và lập kế hoạch nhằm giữ vững cam kết tất cả mọi người đều có thể được hưởng lợi từ các dịch vụ có chất lượng nhằm dự phòng và chăm sóc bệnh lao và cho phép phòng ngừa dịch bệnh này thông qua những nỗ lực đa ngành về phát triển./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực