Một tàu Hải quân Italy cứu người di cư trên biển Địa Trung Hải (Ảnh: UN)
Theo đó, trong tháng 6/2018, khoảng 564 người di cư được báo cáo bị chết đuối hoặc mất tích ở vùng biển giữa Bắc Phi và Sicily. Trong cùng kỳ năm 2017, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã ghi nhận 529 trường hợp người di cư thiệt mạng, 388 trường hợp vào năm 2016, 5 trường hợp vào năm 2015 và 314 trường hợp trong năm 2014. Không những thế, diễn biến được ghi nhận trong tháng 6 năm nay còn đang tiếp tục xảy ra. Vào ngày 18/7 vừa qua, thêm 153 trường hợp người di cư thiệt mạng đã được ghi nhận trên con đường nguy hiểm này.
Tổng số, theo Dự báo của IOM về người di cư mất tích, cho đến nay đã có 1.490 trường hợp người di cư thiệt mạng trên khắp Địa Trung Hải, hơn một nửa số trường hợp thiệt mạng này xảy ra kể từ ngày 1/6/2018 trở lại đây.
Bên cạnh đó, Tổ chức Di cư Quốc tế cũng cho biết 51.782 người di cư và người tị nạn đã đến châu Âu bằng đường biển vào ngày 18/7 vừa qua. Con số này là 110.189 người trong cùng ngày năm ngoái, và 244.722 người trong cùng ngày vào năm 2016.
Ngoài ra, số lượng người tới Tây Ban Nha cũng tiếp tục cao hơn số lượng người tới Italy. Đến nay, chỉ hơn 36% tổng số người di cư bất thường đã đến bằng con đường Tây Địa Trung Hải, nơi khối lượng di cư bất thường gần như tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Với 18.653 lượt người, Tây Ban Nha đã trở thành điểm đến phổ biến nhất của những người di cư bất thường băng qua Địa Trung Hải, vượt qua Italia (17.838 lượt người) và Hy Lạp (14.940 lượt người). Bên cạnh đó, gần 3.000 người di cư khác (2.874 người theo các nhà chức trách Tây Ban Nha) đã cố gắng nhập cư bất hợp pháp vào Tây Ban Nha.
Cũng đáng chú ý là việc tăng cường các hoạt động di cư bất thường ở Tây Ban Nha gần đây tăng vọt. Trong 5 tháng đầu năm nay, 8.150 nam giới, phụ nữ và trẻ em đã được cứu ở vùng biển Tây Ban Nha sau khi rời khỏi châu Phi, trung bình 54 người mỗi ngày. Trong vòng 48 ngày trước ngày 30/6, 10.503 người di cư đã đến, tương đương với gần 220 người di cư mỗi ngày.
Tại châu Phi, IOM cũng thông báo rằng ngày 12/7 vừa qua, 156 người di cư (122 nam giới, 24 phụ nữ và 10 trẻ em) đã được lực lượng bảo vệ bờ biển của Libya đưa về nước. Những người di cư này chủ yếu đến từ Guinea, Sudan, Nigeria và Mali. Cho đến nay, 11.980 người di cư đã được hồi hương từ bờ biển Libya./.