Thứ tư, 10/06/2020 15:11 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể được phục hồi trong năm tới, tuy nhiên số người sống trong điều kiện nghèo đói cùng cực vẫn không thay đổi – cảnh báo được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra ngày 9/6.
|
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số người nghèo cùng cực trên thế giới chưa được cải thiện trong năm tới (Ảnh minh họa: The Economist) |
Theo công bố của WB, đại dịch COVID-19 có thể khiến 70 đến 100 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực trong năm 2020 khi nền kinh tế toàn cầu đối mặt với đợt suy thoái tồi tệ nhất trong vòng 80 năm qua. WB dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể phục hồi khoảng 4% trong năm 2021.
Nigeria, Ấn Độ và Cộng hòa Dân chủ Congo là ba quốc gia được dự báo sẽ chiếm hơn 1/3 số người nghèo nhất trên thế giới. Các quốc gia này dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người lần lượt là -0,8%, 2,1% và 0,3%. Trong khi đó, với tỷ lệ tăng dân số của ba quốc gia này lần lượt là 2,6%, 1% và 3,1% - điều này không đủ để giúp giảm bền vững số người nghèo.
WB cảnh báo, Nam Á có thể chứng kiến sự gia tăng hơn số người nghèo do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt là ở Ấn Độ. Trong số 176 triệu người được dự báo là bị đẩy xuống dưới mức nghèo khổ với 3,2 USD/ngày, thì 2/3 số này là ở Nam Á.
Trước đó, vào tháng 4/2020, WB từng ước tính rằng, COVID-19 có thể 40 – 60 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực. Tuy nhiên, sau đó, tâm điểm của đại dịch đã dịch chuyển từ châu Âu và Bắc Mỹ sang phía nam toàn cầu. Điều này làm gia tăng số người tử vong ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời làm gia tăng những chi phí kinh tế do đại dịch. Bởi vậy, những ước tính của WB về ảnh hưởng của đại dịch đối với tình trạng đói nghèo toàn cầu cũng có sự thay đổi./.
Kiều Giang (theo France24/AFP, WB)