|
Ước tính trong 3 quý đầu năm 2020, thu nhập từ lao động giảm 3.500 tỷ USD . (Ảnh: WB) |
Đó là thông tin được đưa ra trong Báo cáo nhanh số 6: COVID-19 và thế giới việc làm do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố ngày 23/9.
Theo ILO, đại dịch COVID-19 đã gây tổn thất nghiêm trọng về thời giờ làm việc, dẫn tới mức sụt giảm “khổng lồ” về thu nhập từ việc làm của người lao động trên toàn thế giới. Ước tính trong 3 quý đầu năm 2020, thu nhập từ lao động đã giảm 10,7%, tương đương 3.500 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019. Con số này chưa bao gồm hỗ trợ thu nhập thông qua các biện pháp của Chính phủ.
Mức sụt giảm lớn nhất ghi nhận được là ở các nước thu nhập trung bình thấp, với tổn thất thu nhập từ lao động lên tới 15,1%, trong đó châu Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với mức tổn thất thu nhập từ lao động là 12,1%.
Cũng theo Báo cáo này, tổn thất về thời giờ làm việc toàn cầu trong 9 tháng đầu năm 2020 “cao hơn đáng kể” so với con số ước tính đã đưa ra trong Báo cáo nhanh số trước (công bố ngày 30/6).
Chẳng hạn như, ước tính mới về tổn thất về thời giờ làm việc toàn cầu trong quý II năm nay (so với quý IV năm 2019) là 17,3%, tương đương với 495 triệu việc làm toàn thời gian (giả định lao động làm việc 48 giờ một tuần), trong khi con số ước tính đưa ra trước đó là 14%, tương đương với 400 triệu việc làm toàn thời gian. Dự báo mức tổn thất về thời giờ làm việc toàn cầu của quý 3 năm 2020 là 12,1% (tương đương với 345 triệu việc làm toàn thời gian).
Về triển vọng cho quý IV trở nên xấu hơn đáng kể kể từ Báo cáo nhanh số mới nhất. Theo kịch bản cơ sở của ILO, tổn thất thời giờ làm việc toàn cầu trong quý IV năm 2020 ước tính lên đến 8,6% (so với cùng kỳ năm 2019), tương đương với 245 triệu việc làm toàn thời gian. Con số này cao hơn so với con số dự báo trước đây của ILO là 4,9% hay 140 triệu việc làm toàn thời gian.
Báo cáo cho rằng nguyên nhân dẫn đến tổn thất thời giờ làm việc gia tăng là người lao động ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, đặc biệt là người lao động làm công việc phi chính thức, bị ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng đưa ra lưu ý là tổn thất việc làm nặng nề hơn phần nhiều là do đình trệ trong hoạt động, thụ động hơn là do thất nghiệp./.