Tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố

Thứ sáu, 21/08/2020 11:33
(ĐCSVN) – Ngày 21/8/2020, Ngày quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố được kỷ niệm lần thứ ba nhằm mục đích tưởng nhớ, hỗ trợ các nạn nhân và những người sống sót của chủ nghĩa khủng bố, đồng thời tăng cường bảo vệ để họ có thể hưởng đầy đủ những quyền cơ bản của mình.
Khủng bố gây nguy hại tới an ninh toàn cầu. (Ảnh minh họa: Gazeta)

Theo Liên hợp quốc, các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố phải đấu tranh thường xuyên để tiếng nói của họ được lắng nghe, để có được sự hỗ trợ thực thi các quyền cơ bản. Các nạn nhân thường bị lãng quên khi những hậu quả tức thời của một cuộc tấn công khủng bố phai mờ và điều này có thể làm trầm trọng thêm nỗi đau của họ.

Thêm nữa, một số quốc gia thành viên của Liên hợp quốc không có đủ nguồn lực và khả năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của các nạn nhân trong thời gian trung và dài hạn, mà đôi khi gây khó khăn cho việc phục hồi và tái hòa nhập của họ vào xã hội. 

Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố năm nay (21/8/2020), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ: “Hôm nay, chúng ta cầu nguyện để tưởng nhớ tất cả các nạn nhân của khủng bố và bày tỏ lòng kính trọng đối với họ. Chúng ta ở bên những người đang thương tiếc họ và với những người tiếp tục chịu đựng tổn thương về thể chất và tâm lý do hành động tàn bạo của những kẻ khủng bố”.

Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, chủ nghĩa khủng bố có những ảnh hưởng đối với nạn nhân của nó, có thể kéo dài suốt cuộc đời và lan sang nhiều thế hệ. Chúng ta không thể xóa bỏ vết thương lòng, nhưng chúng ta có thể giúp đỡ các nạn nhân và những người sống sót bằng cách làm việc vì sự thật, công lý và sự đền bù, bằng tiếng nói của họ và bằng cách bảo vệ quyền con người cho họ.

“Chúng tôi tổ chức Ngày Quốc tế tưởng niệm lần thứ ba này, để tưởng nhớ các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố, khi thế giới đang hỗn loạn. Cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra đã thay đổi cách chúng ta sống và cách chúng ta quan hệ với những người khác. Các dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân, chẳng hạn như thủ tục tư pháp hình sự và hỗ trợ tâm lý xã hội, đã bị gián đoạn, trì hoãn hoặc cắt bỏ khi các Chính phủ tập trung sự chú ý và nguồn lực để chống lại đại dịch. Nhiều buổi lễ và lễ tưởng niệm đã bị hủy bỏ hoặc được tổ chức trực tuyến và các nạn nhân không thể tìm thấy sự an ủi hoặc an ủi lẫn nhau. Ngoài ra, do những hạn chế hiện tại, Liên hợp quốc đã phải hoãn Đại hội thế giới các nạn nhân khủng bố lần đầu tiên cho đến năm sau” - ông Antonio Guterres nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc lưu ý: Điều quan trọng là phải tưởng nhớ các nạn nhân của khủng bố và làm nhiều hơn nữa để giúp họ chữa lành vết thương và tái xây dựng lại cuộc sống. Đặc biệt, chúng ta phải làm việc với các nghị sĩ và Chính phủ để soạn thảo và thông qua các luật và chiến lược quốc gia để hỗ trợ nạn nhân. Chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ công việc của các hiệp hội nạn nhân. Chúng ta phải đảm bảo rằng tiếng nói của những người đã phải chịu đựng luôn được lắng nghe, để không ai bị lãng quên.

Ngày 19/12/2017, theo đề nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết tuyên bố ngày 21/8 hằng năm là Ngày quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố. Thông qua nghị quyết này, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, đồng thời nhấn mạnh rằng tất cả các hành động khủng bố, không có ngoại lệ, đều là tội phạm và vô lý, bất kể động lực, địa điểm, thời gian hoặc thủ phạm gây ra các hành động khủng bố. 

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực