UNICEF cảnh báo sự gia tăng tình trạng bạo hành trẻ em do đại dịch
Thứ năm, 20/08/2020 14:37 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Việc gián đoạn các hoạt động phòng, chống bạo hành do đại dịch COVID-19 có thể khiến trẻ em phải đối mặt với nguy cơ gia tăng về bạo lực, lạm dụng và bóc lột – theo một khảo sát toàn cầu do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện.
|
UNICEF cảnh báo sự gia tăng tình trạng bạo hành trẻ em do đại dịch.
(Ảnh minh họa: wwkcl.ac.ukw) |
Theo UNICEF, trong tổng số 136 quốc gia thực hiện khảo sát về tác động của dịch COVID-19 đối với mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, có tới 104 quốc gia báo cáo về sự gián đoạn các dịch vụ liên quan đến chống bạo lực trẻ em. Khoảng 2/3 số quốc gia thực hiện khảo sát ghi nhận ít nhất một dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có Nam Phi, Malaysia, Nigeria và Pakistan. Nam Á, Đông Âu và Trung Á là những khu vực có nhiều nước bị gián đoạn các dịch vụ bảo trợ trẻ em nhất.
Giám đốc Điều hành của UNICEF Henrietta Fore cho biết: “Việc đóng cửa các trường học và các biện pháp hạn chế đi lại đã làm tăng thời gian trẻ em phải ở nhà với những đối tượng bạo hành. Tiếp đó tác động của đại dịch đến các dịch vụ bảo trợ trẻ em và nhân viên làm công việc này đồng nghĩa với việc trẻ em không có nơi nào để tìm kiếm sự giúp đỡ”.
Trong bối cảnh các nước thực hiện các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát dịch COVID-19, nhiều dịch vụ về phòng, chống bạo lực đã bị gián đoạn hoặc ngừng lại. Hơn một nửa số quốc gia thực hiện khảo sát báo cáo về tình trạng gián đoạn trong quản lý dịch vụ bảo trợ, các hoạt động thăm nom của các nhân viên bảo trợ đối với trẻ em và phụ nữ có nguy cơ bị xâm hại.
Thậm chí trước đại dịch, việc trẻ em trở thành đối tượng bạo hành cũng đã xuất hiện tại nhiều nước. Ước tính khoảng một nửa số trẻ em trên thế giới bị đánh đập tại nhà, 3/4 số trẻ em trong độ tuổi từ 2-4 thường xuyên phải chịu các hình thức phạt nghiêm khắc và cứ trong 3 trẻ vị thành niên nữ trong độ tuổi từ 15-19 thì có 1 người là nạn nhân của một số hành vi bạo hành. Trong cuộc khủng hoảng COVID-19, việc hạn chế tiếp xúc bạn bè, giáo viên, nhân viên bảo trợ trẻ em, các thành viên gia đình, xã hội đã khiến trẻ em trở nên dễ bị tổn thương hơn.
Để giải quyết thực trạng này, UNICEF đang hỗ trợ các chính phủ và các tổ chức đối tác duy trì và điều chỉnh các dịch vụ phòng, chống trẻ em bị bạo hành trong đại dịch. Chẳng hạn như tại Bangladesh, UNICEF đã cung cấp những vật dụng bảo hộ cá nhân như khẩu trang, nước sát khuẩn tay, bảo vệ mắt cho nhân viên bảo trợ xã hội để có thể giúp đỡ an toàn cho trẻ em sống trên đường phố, trong các khu ổ chuột cũng như tại các khu vực bị ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu và khó tiếp cận. Công tác tuyển dụng và đào tạo thêm các nhân viên bảo trợ cho dịch vụ tư vấn cho trẻ em quốc gia cũng được ưu tiên./.
Kiều Giang (theo UNICEF)