WHO: COVID-19 là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu "nghiêm trọng nhất"

Thứ ba, 28/07/2020 15:22
(ĐCSVN) – Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus vừa tuyên bố cho biết đại dịch do chủng mới của virus Corona, lây nhiễm cho hơn 16 triệu người trên thế giới, được cho là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu tồi tệ nhất mà WHO phải đối mặt.
 Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus  (Ảnh: UN)

Phát biểu tại cuộc họp báo ở trụ sở WHO, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: “Thứ Năm này đánh dấu tháng thứ 6 kể từ khi WHO tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đang được quốc tế quan tâm. Đây là lần thứ 6 một tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu được tuyên bố theo Điều lệ y tế quốc tế, nhưng nó được cho là nghiêm trọng nhất”. Và theo quy định trong Điều lệ y tế quốc tế, người đứng đầu WHO sẽ triệu tập ủy ban khẩn cấp một lần nữa vào cuối tuần này để đánh giá lại đại dịch và đưa ra tư vấn.

“Khi tôi tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng ở quy môi quốc tế vào ngày 30/1 - mức báo động cao nhất trong luật pháp quốc tế - có chưa đầy 100 trường hợp bên ngoài Trung Quốc, và không có trường hợp tử vong nào” – ông nhắc nhở. Trong khi đó, tốc độ lây lan của đại dịch đã tiếp tục tăng nhanh trên toàn thế giới. Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng 28/7, thế giới ghi nhận tổng số 16.612.231 ca mắc COVID-19 và có 655.502 ca tử vong.

Mỗi người trong chúng ta đều có thể tạo nên sự khác biệt”

Sau 6 tháng kể từ khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, đại dịch COVID-19 đã minh họa thực tế rằng "sức khỏe không phải là phần thưởng cho sự phát triển, mà là nền tảng của sự ổn định xã hội, kinh tế và chính trị". "Chúng ta không phải là tù nhân của đại dịch" – Tiến sĩ Tedros nói, đồng thời lưu ý rằng "mỗi người trong chúng ta đều có thể tạo nên sự khác biệt". Ông nhắc nhở mọi người rằng tương lai nằm trong tay chúng ta và WHO vẫn hoàn toàn cam kết phục vụ tất cả các quốc gia và dân tộc thông qua khoa học, giải pháp và sự đoàn kết. Nhưng sự thật là ở đó, COVID-19 đã thay đổi thế giới của chúng ta. Nó mang mọi người, cộng đồng và quốc gia lại với nhau và tách họ ra. Nó đã cho thấy những gì con người có khả năng tiến hành, cả tích cực và tiêu cực. Tiến sĩ Tedros nhấn mạnh rằng chúng ta đã học được rất nhiều từ COVID-19 và chúng ta cần tiếp tục học hỏi để ứng phó với dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo WHO, mặc dù thế giới của chúng ta đã thay đổi song các nguyên tắc cơ bản của phản ứng quốc tế đối với COVID-19 vẫn cần được duy trì, đó là sự lãnh đạo chính trị và thông tin, tham gia và lắng nghe của cộng đồng. Tương tự như vậy, chỉ bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp về y tế như: đeo khẩu trang hay giãn cách về mặt vật lý, tránh đám đông, thế giới mới có thể đánh bại COVID-19. Khi các biện pháp này được thực hiện thì các trường hợp lây nhiễm giảm. Ở những nơi không thực hiện, các trường hợp đang gia tăng. Tổng Giám đốc WHO cũng đồng thời ca ngợi nhiều quốc gia đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh. Theo ông, các quốc gia và cộng đồng tuân theo lời khuyên này một cách siêng năng và nhất quán đã đạt được kết quả tốt trong việc ngăn chặn dịch bệnh trên diện rộng như: Campuchia, New Zealand, Rwanda, Thái Lan, Việt Nam và các đảo ở Thái Bình Dương và Caribê.

 Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của người dân tại Somalia. (Ảnh: UN)

Hầu như không thể giữ biên giới đóng cửa trong tương lai gần

Một cách riêng biệt, cơ quan của Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại về khả năng tái bùng phát của COVID-19 ở các khu vực khác nhau, bao gồm cả các quốc gia tin rằng họ đã kiểm soát căn bệnh này. Chuyên gia Mike Ryan, Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO, cho biết thực tế rõ ràng là áp lực khống chế đại dịch đang khiến các con số lây nhiễm giảm xuống, song nếu áp lực này giảm xuống thì các trường hợp sẽ tăng trở lại.

Tuy nhiên, WHO cho rằng các lệnh cấm du lịch quốc tế không thể tồn tại lâu dài. "Các quốc gia sẽ gần như không thể đóng cửa biên giới trong tương lai gần" – ông Mike Ryan nói thêm và lưu ý rằng "việc giữ biên giới quốc tế đóng cửa không nhất thiết là một chiến lược khả thi". Theo chuyên gia này, "các nền kinh tế phải mở cửa trở lại, mọi người phải làm việc, thương mại phải hoạt động trở lại", song mỗi quốc gia phải xem xét các rủi ro riêng khi mở cửa biên giới.

WHO hy vọng rằng các trường hợp lây nhiễm sẽ được kiểm soát, mặc dù sẽ mất nhiều ngày hoặc vài tuần để phân biệt mô hình tương lai của dịch bệnh. Chúng ta càng hiểu rõ về căn bệnh này, càng hiểu rõ hơn về virus này thì chúng ta càng có thể chính xác hơn trong việc loại bỏ nó ra khỏi cộng đồng. Trong mọi trường hợp, "các biện pháp hạn chế đi lại phải được thực hiện cùng với các biện pháp khác” – Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO lưu ý.

Còn theo Tổng Giám đốc WHO, điểm mấu chốt trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 chính là quyết tâm và sẵn sàng đưa ra những lựa chọn dù khó khăn để giữ an toàn cho bản thân và những người xung quanh./.

Khánh Linh (Theo WHO, UN, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực