WHO kêu gọi tránh "chủ nghĩa dân tộc vaccine" ngừa COVID-19

Thứ tư, 19/08/2020 16:30
(ĐCSVN) – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18/8 cảnh báo chiến lược của các nước ưu tiên lợi ích quốc gia mình trong việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 có thể làm trầm trọng thêm đại dịch; đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế "ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc vaccine”.
Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang cố gắng tìm ra một loại vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: UN) 

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến từ Geneva, Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Không ai an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn”.

Về các vaccine ứng cử viên ngừa COVID-19, Tiến sĩ Tedros chỉ ra rằng hình thức hành động chiến lược và toàn diện thực sự là vì lợi ích của tất cả các quốc gia. “Chúng ta phải ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc vaccine” – ông lưu ý. Tổng giám đốc WHO cho biết ngày 18/8 đã gửi một lá thư tới tất cả các quốc gia thành viên nhằm khuyến khích họ tham gia chương trình tiếp cận toàn cầu vaccine ngừa COVID-19 trong tương lai, được gọi là COVAX. Theo ông, “Trung tâm vaccine thế giới là cơ chế thiết yếu cho việc mua sắm chung và gộp rủi ro của nhiều loại vaccine”.

Tiến sĩ Tedros nhấn mạnh: "Nếu ngay từ đầu các nhà lãnh đạo muốn bảo vệ người dân của chính họ, thì phản ứng đối với đại dịch này phải mang tính tập thể". "Đó không phải là hoạt động từ thiện, chúng ta đã học được một cách khó khăn rằng cách nhanh nhất để chấm dứt đại dịch này và mở cửa lại nền kinh tế là bắt đầu bằng cách bảo vệ các nhóm dân cư có nguy cơ cao nhất ở khắp mọi nơi, thay vì chỉ với một số quốc gia nhất định” – người đứng đầu WHO nêu rõ, đồng thời lưu ý rằng việc chia sẻ chiến lược và toàn cầu các nguồn lực hạn chế trên thực tế là vì lợi ích quốc gia của mỗi nước.

"Chủ nghĩa dân tộc đối với nguồn cung đã làm trầm trọng thêm đại dịch"

Về vấn đề này, Tiến sĩ Tedros nhắc lại rằng "chủ nghĩa dân tộc đối với nguồn cung đã làm trầm trọng thêm đại dịch, do đó góp phần vào sự thất bại toàn diện của chuỗi cung ứng toàn cầu". Một số quốc gia đã áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu và đã có một số trường hợp trưng dụng các vật tư y tế thiết yếu để sử dụng trong nước.

Trong một thời gian, một số quốc gia đã bị thiếu hụt nguồn cung cấp thiết yếu, chẳng hạn như nhu yếu phẩm cho các nhân viên y tế – những người đang phải đối mặt với sự gia tăng các ca bệnh COVID-19. Ông cho biết: “Và nhiều quốc gia vẫn không có đủ”.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, không quốc gia nào có quyền tiếp cận nghiên cứu và phát triển, sản xuất và toàn bộ chuỗi cung ứng đối với tất cả các loại thuốc và nguyên liệu thiết yếu. Tiến sĩ Tedros lập luận: “Và nếu chúng ta có thể làm việc cùng nhau, chúng ta có thể bảo đảm rằng tất cả những người lao động cốt yếu đều được bảo vệ và các phương pháp điều trị đã được chứng minh như dexamethasone có sẵn cho những người cần nó” và đó là nghĩa vụ làm việc tập thể trong một thế giới "được kết nối với nhau".

Trong bối cảnh khi các chẩn đoán, thuốc và vaccine mới được tung ra thị trường, WHO tin rằng điều cần thiết là "các quốc gia không lặp lại những sai lầm tương tự". Đó là lý do tại sao WHO đang làm việc với các chính phủ và khu vực tư nhân để tăng tốc triển khai các tiến bộ khoa học, thông qua công cụ tăng tốc ACT, để mọi người có thể tiếp cận những đổi mới. Và để đạt được điều đó, WHO cho rằng cần lập kế hoạch ở cấp cao nhất ngay từ bây giờ nhằm chuẩn bị cho việc tiêm phòng vaccine và điều trị cho thế giới khi các công nghệ mới xuất hiện. Theo Tiến sĩ Tedros, khi chúng ta thúc đẩy khoa học, sự đoàn kết là cần thiết để mang lại một giải pháp chung cho đại dịch.

WHO vạch ra các đường tiếp cận với vaccine trong tương lai

“Giống như một dàn nhạc, chúng ta cần tất cả các nhạc cụ được chơi hòa quyện để tạo ra âm nhạc mà mọi người đều thích. Một hoặc hai nhạc cụ chơi riêng lẻ là không đủ khi cả thế giới đang chờ đợi và chăm chú lắng nghe” – Tiến sĩ Tedros giải thích. Theo người đứng đầu WHO, thế giới quan tâm đến cách làm việc như một dàn nhạc, thúc đẩy khoa học, giải pháp và sự đoàn kết vì "cùng nhau chúng ta sẽ làm điều đó tốt nhất".

Sau khi vaccine có sẵn, WHO đề xuất rằng việc phân bổ chúng diễn ra theo hai giai đoạn thông qua cơ chế COVAX. Khi vaccine đã được xác định, Nhóm Cố vấn Chiến lược của WHO sẽ đưa ra các khuyến nghị về việc sử dụng phù hợp và công bằng. Việc phân bổ vaccine được đề xuất thành hai giai đoạn. “Trong giai đoạn đầu, các liều sẽ được phân bổ theo tỷ lệ và đồng thời cho tất cả các nước tham gia để giảm rủi ro tổng thể. Trong giai đoạn 2, mối đe dọa và tính dễ bị tổn thương của các quốc gia sẽ được tính đến” – Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus giải thích.

Do đó, ông nhấn mạnh rằng "sẽ ưu tiên cho các nhân viên tuyến đầu trong các cơ sở y tế và trợ giúp xã hội, vì họ là những người cần để điều trị và bảo vệ người dân và phải tiếp xúc chặt chẽ với các nhóm có nguy cơ tử vong cao", cụ thể là những người trên 65 tuổi và những người có bệnh nền.

Người đứng đầu WHO cho biết: “Đối với hầu hết các quốc gia, việc phân bổ vaccine trong giai đoạn 1 cho 20% dân số, sẽ bao gồm hầu hết các nhóm có nguy cơ”. Theo ông Tedros, “nếu chúng ta không bảo vệ những người có nguy cơ cao này khỏi virus ở khắp mọi nơi, đồng thời, chúng ta không thể ổn định hệ thống y tế và xây dựng lại nền kinh tế thế giới./.

Khánh Linh (Theo WHO, UN, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực