WHO: Không có gì bảo đảm vaccine ngừa COVID-19 đang được phát triển sẽ hoạt động

Thứ ba, 22/09/2020 15:37
(ĐCSVN) – Trong bối cảnh các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm phát triển một loại vaccine ngừa COVID-19 thì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/9 đã cảnh báo rằng không có gì bảo đảm các vaccine này sẽ hoạt động.

Gần 1 triệu người trên thế giới tử vong do COVID-19

 Thế giới đang nỗ lực tìm ra loại vaccine hiệu quả ngừa COVID-19. (Ảnh minh họa: UN)

Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến tại Geneva (Thụy Sỹ), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Chúng ta không có gì bảo đảm rằng bất kỳ loại vaccine nào hiện đang được phát triển sẽ hoạt động”. Theo người đứng đầu WHO, "lịch sử phát triển vaccine cho chúng ta biết rằng một số sẽ thất bại và một số khác sẽ thành công". "Chúng ta càng kiểm tra nhiều ứng viên (vaccine - PV), chúng ta càng có nhiều khả năng có vaccine an toàn và hiệu quả" – Tiến sĩ Tedros nói thêm, đồng thời lưu ý rằng "gần 200 vaccine chống COVID-19 hiện đang được thử nghiệm lâm sàng và tiền lâm sàng”.

Và đối với Tổng giám đốc của Liên minh Đổi mới trong Chuẩn bị phòng chống dịch (CEPI), Tiến sĩ Richard Hatchett, chúng ta cần phải cẩn thận về lịch tiêm vaccine và trên hết là phải có "kỳ vọng mang tính thực tiễn".

Cảnh báo của Tổng giám đốc WHO được đưa ra trong bối cảnh hầu hết các quốc gia trên thế giới đang tập hợp lại vào tuần này để kỷ niệm 75 năm Đại hội đồng Liên hợp quốc. Tiến sĩ Tedros kêu gọi các quốc gia cùng “vận động” để “bảo đảm quyền tiếp cận công bằng đối với chẩn đoán, liệu pháp và vaccine”.

Mặt khác, WHO tiếp tục kêu gọi "các quốc gia sử dụng tất cả công cụ theo ý của họ để ngăn chặn COVID-19 lây truyền và cứu lấy các sự sống, cho đến khi chúng ta có vaccine và giai đoạn sau đó". Và trong nhiệm vụ tìm kiếm vaccine này, cơ quan Liên hợp quốc một lần nữa nhấn mạnh lại mục tiêu chính của Cơ chế tiếp cận Toàn cầu đối với vaccine ngừa COVID-19, được gọi là COVAX.

156 quốc gia tham gia kế hoạch vaccine toàn cầu của WHO

Cơ chế tiếp cận Toàn cầu đối với vaccine ngừa COVID-19 "để bảo đảm rằng tất cả các quốc gia đều có thể tiếp cận vaccine cùng một lúc và ưu tiên dành cho những người có nguy cơ cao nhất, bao gồm các nhân viên y tế, người cao tuổi và những người khác dễ bị tổn thương nhất".

WHO cũng tiếp tục thu thập hỗ trợ cho một liên minh toàn cầu mang tên "Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT Accelerator)". Cơ chế COVAX do Liên minh Vaccine GAVI, WHO và Liên minh Đổi mới trong Chuẩn bị phòng chống dịch cũng đang được tiến hành.

Theo cơ quan của Liên hợp quốc, có tổng số 156 quốc gia đã tham gia Cơ chế COVAX. Trong số đó có 64 quốc gia giàu có hơn và tự tài trợ, và đại diện cho khoảng 2/3 dân số thế giới. Liên minh vaccine cho biết họ dự kiến sẽ có thêm 38 quốc gia giàu có khác tham gia sáng kiến này trong những ngày tới.

Về vấn đề này, WHO nhắc lại rằng cơ chế COVAX cho phép các Chính phủ phân tán rủi ro liên quan đến việc phát triển vaccine và bảo đảm dân số của họ được tiếp cận nhanh chóng với vaccine hiệu quả. Tiến sĩ Tedros nhấn mạnh: “Cơ sở COVAX sẽ giúp kiểm soát đại dịch, cứu lấy các sự sống, tăng tốc phục hồi kinh tế và bảo đảm rằng cuộc chạy đua vaccine là một sự hợp tác chứ không phải một cuộc cạnh tranh” – Tiến sĩ Tedros nhấn mạnh.

Mục tiêu của COVAX là cung cấp 2 tỷ liều vaccine trên toàn cầu vào cuối năm 2021, ưu tiên các nhân viên y tế trước, sau đó là 20% người dễ bị tổn thương nhất trong các quốc gia tham gia, mặc dù mức thu nhập của họ có như thế nào”.

Một cách tiếp cận chung đối với một mối đe dọa chung

"Cách nhanh nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19 và đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế toàn cầu là bảo đảm rằng nhiều người được tiêm chủng ở tất cả các quốc gia, chứ không phải tất cả mọi người ở một số quốc gia nhất định" – Tổng giám đốc WHO lưu ý. Về vấn đề này, Tiến sĩ Tedros cũng nhắc lại rằng "các cuộc thăm dò dư luận gần đây đã cho thấy tuyệt đại đa số người dân đều ủng hộ việc tiếp cận công bằng với vaccine".

Nói rộng hơn, cuộc chiến chống lại loại virus Corona mới đòi hỏi nhiều kinh phí hơn. 3 tỷ USD đã được đầu tư để vận hành chương trình ACT Accelerator. Điều này cho phép tiến hành giai đoạn khởi đầu “rất thành công", nhưng nó chỉ là 1/10 trong phần còn lại 35 tỷ USD cần thiết.

Theo WHO, "15 tỷ USD là cần thiết ngay lập tức để duy trì động lực và đáp ứng lịch trình đầy tham vọng của chúng ta". "Chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng và chúng ta cần một sự gia tăng đáng kể trong cam kết chính trị và tài chính của các nước" – Tiến sĩ Tedros cảnh báo. Đặc biệt, khi một loại vaccine hiệu quả sẽ được phân phối, việc đi lại và thương mại quốc tế sẽ được khôi phục hoàn toàn, thì lợi ích kinh tế sẽ vượt xa mức đầu tư 38 tỷ USD cần thiết cho chương trình ACT Accelerator./.

Khánh Linh (Theo UN, WHO, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực