WHO: Thế giới phải chi ít nhất 100 tỷ USD cho các công cụ mới chống COVID-19

Thứ sáu, 14/08/2020 17:10
(ĐCSVN) – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/8 cho biết, thế giới phải chi ít nhất 100 tỷ USD cho các công cụ mới để chống lại đại dịch do chủng mới của virus Corona gây ra.

Số lượng người mắc COVID-19 trên thế giới vượt mốc 21 triệu người

 Một nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ cho bệnh nhân tại một bệnh viện ở tỉnh Nonthaburi, Thái Lan. (Ảnh: UN)

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến ở Geneva, Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Trước khi chi thêm 10.000 tỷ USD cho hậu quả của đợt dịch COVID-19 tiếp theo, chúng tôi ước tính rằng thế giới sẽ phải chi ít nhất 100 tỷ USD cho các công cụ mới, đặc biệt là việc phát triển bất kỳ loại vaccine mới nào". Trong đó, "nhu cầu đầu tiên và ngay lập tức" là 31,3 tỷ USD, dành cho dự án đối tác toàn cầu mang tên “Access to COVID-19 Tools (ACT) Accelerator” nhằm tăng tốc truy cập vào các công cụ để chống lại COVID-19. “Đây là sáng kiến toàn cầu duy nhất đang diễn ra tập hợp tất cả các nỗ lực sản xuất, quản lý, mua hàng và tìm nguồn cung ứng toàn cầu cần thiết, cho tất cả các công cụ cần thiết để ngăn chặn việc lây truyền COVID-19” – ông Tedros nhấn mạnh.

Tổng giám đốc WHO cũng nói thêm rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính đại dịch COVID-19 sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 375 tỷ USD mỗi tháng và dự báo mức thiệt hại cộng dồn trong 2 năm là hơn 12.000 tỷ USD. Ông nhấn mạnh: “Việc đầu tư cho ACT Accelerator sẽ tiêu tốn một phần rất nhỏ so với chi phí nếu các nền kinh tế co hẹp hơn và yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp thúc đẩy ngân sách”.

Theo người đứng đầu WHO, thế giới đã chi hàng tỷ USD để đối phó với những hậu quả ngắn hạn của đại dịch COVID-19. "Chỉ riêng các nước G20 đã huy động hơn 10.000 tỷ USD cho các biện pháp kích thích tài khóa để điều trị và giảm thiểu hậu quả của đại dịch" – Tiến sĩ Tedros cho biết, đồng thời nhắc lại rằng "gấp hơn 3,5 lần số tiền mà thế giới đã chi để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”.

“Việc phát triển vaccine là lâu dài, phức tạp, rủi ro và tốn kém"

Mặt khác, người đứng đầu cơ quan Liên hợp quốc cũng khẳng định khi tìm ra loại vaccine mới thì lượng cầu sẽ lớn hơn cung. “Nhu cầu dư thừa và cạnh tranh về nhu cầu đang tạo ra chủ nghĩa dân tộc vaccine và nguy cơ giá cả tăng vọt”, Tiến sĩ Tedros lập luận và cảnh báo về “kiểu thất bại” này. “Đây là kiểu thất bại của thị trường mà chỉ có sự đoàn kết toàn cầu, đầu tư và sự tham gia của khu vực công mới có thể giải quyết được” – ông lưu ý.

Tổng giám đốc WHO cảnh báo rằng cần phải có một khoản đầu tư tài chính lớn hơn nhiều để bảo đảm tìm kiếm được nhiều ứng viên vaccine hơn và do đó tăng cơ hội thành công. Theo ông, “sự thiếu hụt nguồn tài trợ cho ACT không thể chỉ bù đắp bằng viện trợ phát triển truyền thống”, đặc biệt là vì "sự phát triển của vaccine là lâu dài, phức tạp, rủi ro và tốn kém". “Phần lớn các loại vaccine đang được phát triển đều thất bại. Thế giới cần một số loại vaccine ứng cử viên chống lại COVID-19 thuộc nhiều loại khác nhau để tối đa hóa cơ hội tìm ra giải pháp thành công” – Tiến sĩ Tedros nhấn mạnh.

Thêm vào đó, WHO cảnh báo về một "vụ đánh cược tốn kém và rủi ro" có thể xảy ra khi lựa chọn một loại vaccine “chiến thắng”. Trong những điều kiện này, việc tăng tốc truy cập vào các công cụ để chống lại COVID-19 (ACT Accelerator) do đó sẽ cho phép các chính phủ "phân tán rủi ro và chia sẻ phần thưởng".

Tuy nhiên, sống trong một nền kinh tế toàn cầu hóa có nghĩa là các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau về hàng hóa và dịch vụ, vận tải và vật tư. Tiến sĩ Tedros cảnh báo: “Nếu chúng ta không loại bỏ virus ở khắp mọi nơi, chúng ta sẽ không thể xây dựng lại nền kinh tế ở bất cứ đâu”. "Chúng ta càng sớm kết thúc đại dịch, chúng ta càng sớm có thể bảo đảm rằng các lĩnh vực liên kết quốc tế, chẳng hạn như du lịch, thương mại và du lịch, có thể thực sự phục hồi" – ông nêu rõ.

Không đủ thông tin để đưa ra phán quyết về vaccine của Nga

Tổng giám đốc WHO cũng đồng thời kêu gọi thế giới hợp tác cùng nhau để thúc đẩy cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, thay vì tập trung vào "làm thế nào để trở lại bình thường". Ông giải thích chi tiết về cách thế giới đã xích lại gần nhau kể từ khi dịch bệnh bùng phát để chia sẻ các nguồn lực và thông tin về virus nhằm cho phép phát triển nhanh chóng các thử nghiệm ứng cử viên vaccine.

WHO đã thông báo rằng 9 ứng cử viên vaccine đã có trong danh mục của mình và đang được thử nghiệm ở giai đoạn 2 hoặc 3. “Và danh mục này - đã là lớn nhất trên thế giới - đang không ngừng phát triển. Và nhờ có Trung tâm Tiêm chủng Thế giới, các quốc gia đại diện cho gần 70% dân số thế giới đã đăng ký hoặc bày tỏ sự quan tâm đến việc trở thành một phần của sáng kiến mới” – ông tiếp tục nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Bruce Aylward, Cố vấn cấp cao của WHO, cũng cho biết WHO không có đủ thông tin để đưa ra phán quyết về việc gia tăng sử dụng vaccine mới của Nga: “Loại vaccine này không nằm trong danh mục 9 loại vaccine đang được xem xét tại WHO, nhưng chúng tôi đang liên hệ với các cơ quan y tế Nga”./.

Khánh Linh (Theo UN, WHO, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực