|
Khách hàng được kiểm tra thân nhiệt khi vào cửa hàng. Đeo khẩu trang trong cửa hàng là bắt buộc ở Kiev, Ukraine. (Ảnh: WHO) |
Theo Tổng giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, "chừng nào COVID-19 còn đang bùng phát, mọi người đều gặp nguy hiểm. (…) Nơi bạn sống có ít trường hợp nhiễm bệnh không có nghĩa là bạn có thể giảm cảnh giác. Đừng hy vọng người khác sẽ mang an toàn đến cho bạn”. Tổng giám đốc cũng đồng thời kêu gọi mọi người cùng thể hiện vai trò của mình để bảo vệ lẫn nhau.
Cảnh báo mới được cơ quan của Liên hợp quốc đưa ra trong bối cảnh những tuần gần đây vừa phát hiện một số ổ lây nhiễm có liên quan tới “các hộp đêm và tụ điểm xã hội”, hay thậm chí là trong “các khu vực đã từng không còn lây nhiễm nữa. Chúng ta phải nhớ rằng hầu hết mọi người vẫn dễ bị nhiễm virus này” – ông Tedros nhấn mạnh, và lưu ý rằng đại dịch đã phá vỡ cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới: “Nhiều người đã phải ở nhà trong nhiều tháng. Điều khá dễ hiểu là mọi người muốn kiểm soát cuộc sống của họ".
Các cá nhân và cộng đồng phải tự quản lý rủi ro
Tuy nhiên, theo WHO, "cách tốt nhất để ngăn chặn việc nhiễm COVID-19 và cứu lấy các sinh mạng là" để các cá nhân và cộng đồng tự quản lý rủi ro. Dù là một cá nhân hay trong cộng đồng, Tiến sĩ Tedros nhắc lại rằng chúng ta phải "đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng để bảo vệ sức khỏe của chính mình và của những người xung quanh". “Bạn có biết có bao nhiêu trường hợp mắc COVID-19 đã được báo cáo ngày hôm qua không? Bạn có biết nơi để tìm thông tin này?” Đó là những câu hỏi cần tự đặt ra cho chính mình –Tổng giám đốc WHO nêu rõ.
Theo WHO, một số câu hỏi sẽ hướng dẫn cuộc sống hàng ngày của mọi người: "Bạn có biết cách giảm thiểu tiếp xúc với COVID-19 không? Bạn có chắc chắn rằng bạn ở cách người khác ít nhất 3m không? Bạn vẫn rửa tay thường xuyên? Bạn có làm theo lời khuyên của chính quyền địa phương bạn?". Những câu hỏi và một thái độ sống tích cực sẽ nhắc nhở chúng ta rằng đại dịch COVID-19 đã thay đổi cách chúng ta sống. Trong những trường hợp này, việc thích nghi với cuộc sống "bình thường mới", một phần là "tìm được cách sống an toàn". "Có thể, nhưng cách bạn làm sẽ phụ thuộc vào nơi bạn sống và hoàn cảnh của bạn" – người đứng đầu WHO thừa nhận, đồng thời nhấn mạnh rằng đó là một vấn đề về việc lựa chọn đúng. "Đó có thể không phải là cuộc sống của bạn, nhưng lựa chọn của bạn có thể tạo nên sự khác biệt giữa sống và chết đối với người bạn yêu hoặc một người hoàn toàn xa lạ" – ông lưu ý.
Để khống chế đại dịch nguy hiểm này, WHO đưa ra "hai trụ cột thiết yếu", đó là "lãnh đạo chính trị và sự tham gia của cộng đồng". Một trong những công cụ mà chính phủ có thể sử dụng là luật pháp - không phải để ép buộc, mà là để bảo vệ sức khỏe đồng thời bảo vệ quyền con người. Bởi vì "các luật được thiết kế tốt có thể giúp xây dựng các hệ thống y tế mạnh mẽ, đánh giá và phê duyệt các loại thuốc và vắc-xin an toàn và hiệu quả, đồng thời thực hiện các biện pháp để tạo ra không gian công cộng và nơi làm việc lành mạnh và an toàn hơn nữa”. Ngược lại, các luật được thiết kế tồi, thực thi kém có thể gây tổn hại cho nhóm đối tượng dân số yếu thế. Tiến sĩ Tedros nhấn mạnh, điều đó "cũng có thể" làm tăng thêm sự kỳ thị và phân biệt đối xử, cản trở những nỗ lực chấm dứt đại dịch.
Cuối cùng, trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19, "bất kể bạn sống ở đâu hay bao nhiêu tuổi, bạn có thể trở thành người lãnh đạo trong cộng đồng của mình, không chỉ để đánh bại đại dịch, mà còn để xây dựng cuộc sống trở lại tốt hơn" – Tiến sĩ Tedros nêu rõ./.