Ảnh minh họa. (Nguồn: UNICEF)
Từ năm 2015, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng 3 liều phòng chống bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP3) đã đạt 85% (116,2 triệu trẻ). Tuy nhiên, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu với DTP3 vẫn ở mức 85%, song có thêm 4,6 triệu trẻ sơ sinh được tiêm chủng trên toàn thế giới trong năm 2017 so với năm 2010, do tăng dân số toàn cầu.
Tương tự, điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù mức độ tiêm chủng DTP3 cho trẻ em ở khu vực châu Phi vẫn ở mức 72% kể từ năm 2010, song mức tăng của dân số mục tiêu của khu vực cũng đồng nghĩa với việc để duy trì cùng mức độ bao phủ DTP3 như vậy thì khoảng 3,2 triệu trẻ sơ sinh đã được tiêm chủng vào năm 2017.
Trong số 19,9 triệu trẻ sơ sinh không được tiêm chủng đầy đủ với DTP3, gần 8 triệu em (40%) sống trong môi trường bấp bênh hoặc khủng hoảng nhân đạo, trong đó có ở các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột. Và khoảng 5,6 triệu em trong số đó chỉ sống ở 3 nước - Afghanistan, Nigeria và Pakistan - nơi tiếp cận các dịch vụ tiêm chủng thông thường là điều thiết yếu để đạt được và duy trì việc loại bỏ bệnh bại liệt.
Trong năm 2017, 10 quốc gia có tỷ lệ bao phủ DTP3 hoặc vaccin sởi dưới 50% là: Angola, Cộng hòa Trung Phi, Guinea Xích đạo, Chad, Guinea, Somalia, Nigeria, Nam Sudan, Syria và Ukraina.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, khi dân số tăng lên, nhiều quốc gia cần tăng cường đầu tư vào các chương trình tiêm chủng.
Để tất cả các trẻ em trên thế giới được tiêm chủng, ước tính có thêm 20 triệu trẻ em cần tiêm chủng với DTP3; thêm 45 triệu trẻ em cần được tiêm chủng với liều vắc xin sởi thứ hai và thêm 76 triệu trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều vắc xin liên hợp phế cầu khuẩn.
Để hỗ trợ những nỗ lực này, WHO và UNICEF đang nỗ lực làm việc để mở rộng khả năng tiếp cận tiêm chủng bằng cách tăng cường chất lượng, tính khả dụng và sử dụng dữ liệu bao phủ chủng ngừa; bằng các nguồn lực nhắm mục tiêu tốt hơn; và bảo đảm rằng những người dễ bị tổn thương có thể tiếp cận với các dịch vụ tiêm chủng./.