Người bạn Hungary và "mối lương duyên" với Việt Nam

Thứ hai, 24/05/2010 21:58

(ĐCSVN) - Chúng tôi đến gặp nguyên Đại sứ Hungary tại Việt Nam Alfred Almasi trong một căn nhà nhỏ tại phố Thái Thịnh nhân dịp ông về Việt Nam tham dự Hội thảo “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” tổ chức tại Hà Nội vào giữa tháng 5/2010. Điều đặc biệt nhất mà chúng tôi cảm nhận được từ ông – không phải là một “người khách” đến Việt Nam mà là sự gần gũi, thân quen của một “người bạn” trở về  nơi từng gắn bó nhiều kỉ niệm…

Bác Hồ -những kỉ niệm không thể nào quên

 
 Năm nay đã 80 tuổi nhưng ông Alfred Almasi
vẫn còn nhớ như in lần được gặp Bác Hồ
                                                    Ảnh: KPG
Đã gần 60 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, ông Alfred Almasi vẫn còn nhớ như in cảm giác khi được nắm bàn tay ấm áp của Bác, được tận mắt chứng kiến sự giản dị của một vị lãnh tụ mà ông tưởng rằng… “chỉ có thể gặp trong mơ”.

Vào năm 1954, khi ông còn là một đoàn viên thanh niên học tập tại Budabet, ông đã được nghe nói về Hiệp định Giơnever tại Việt Nam và nghe kể về Bác Hồ. Người thanh niên tuổi chừng đôi mươi ấy đã ao ước “giá như được gặp Hồ Chí Minh”. Và thật tình cờ, một thời gian ngắn sau đó, chàng thanh niên Alfred Almasi tốt nghiệp trường ngoại giao Hungary đã được cử đến Việt Nam công tác - bắt đầu sự nghiệp ngoại giao của mình.

Ông kể: “Vào một buổi chiều khi các cán bộ nhân viên Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam đang làm việc, Hồ Chủ tịch bất ngờ đến thăm. Với một phong thái rất giản dị và gần gũi, Người lại gần tôi và nói: “Chào đồng chí”. Sự sung sướng và xúc động khiến tôi mãi mới bật được câu đáp lại: “Vâng, chào đồng chí!”. Giây phút được Bác bắt tay ấy đã khắc ghi vào trái tim tôi, để rồi trải qua gần 60 năm, cảm xúc trong tôi vẫn còn nguyên vẹn…

Khi mọi người còn chưa hết ngỡ ngàng thì Người đã nói: “Tôi đi dạo qua đây, thấy lá cờ Hungary treo, tôi đến thăm và chào mừng các bạn đã đến đây công tác. Tôi chuyển lời cảm ơn của nhân dân Việt Nam tới nhân dân Hungary đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong cuộc kháng chiến. Đó là những tình cảm quý báu mà các bạn đã dành cho chúng tôi”.

Ai nấy cũng đều bất ngờ trước sự chu đáo, bình dị của vị Chủ tịch nước. Nhưng chưa hết, trong buổi gặp gỡ ngắn ngủi đó, mọi người còn được tận mắt chứng kiến phong thái và trí tuệ tuyệt vời của Người. Để buổi nói chuyện trở nên cởi mở và vui vẻ, Bác đã hỏi mọi người biết những ngoại ngữ gì, rồi Bác lần lượt nói bằng các thứ tiếng: Pháp, Anh, Nga… một cách rất trôi chảy. Song trong câu chuyện chính, Người luôn dùng tiếng Việt như một cách giữ gìn hồn cốt của dân tộc Việt  để nói với bạn bè quốc tế. Điều đó khiến chúng tôi rất kính trọng và nể phục Người.

Rồi Người hỏi thăm từng người về cuộc sống riêng, khi sang Việt Nam công tác, phải xa nhà thì có gặp khó khăn gì không… Sự ân cần đó đã khiến tất cả chúng tôi cảm động. Trước khi ra về, Người bắt tay từng người, ôm hôn và ra khỏi Đại sứ quán một cách nhẹ nhàng, giản dị như khi Người đến.

Sau này, khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, tôi có dịp vào Sài Gòn. Tôi đã rất xúc động khi thấy nhiều em nhỏ hát vang câu hát “Việt Nam – Hồ Chí Minh”. Và tôi cũng hiểu vì sao khi Người mất, tất cả mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam đều để tang Người – đó là sự tiếc thương vô hạn, là tình cảm tận sâu trái tim của mọi người đối với Bác. Tôi hiểu rằng, Người vẫn còn sống mãi và không chỉ nhân dân Việt Nam mà bạn bè quốc tế cũng đều cất vang “Việt Nam – Hồ Chí Minh”.”

Nếu được làm phim, tôi sẽ làm phim “Kí ức về Hà Nội”

Với 4 nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, nguyên Đại sứ Alfred Almasi đã có một thời gian khá dài gắn bó và yêu mến đất nước, con người Việt Nam. Với cương vị từng là Đại sứ, ông cho rằng, Việt Nam và Hungary đã và đang có chặng đường hợp tác hữu nghị tốt đẹp. Trong những giai đoạn kháng chiến, đó là còn là “quan hệ máu thịt”. Phong trào ủng hộ Việt Nam với khẩu hiệu: “Việt Nam – chúng tôi ở bên các bạn” đã được đề cao ở Hungary trong thời gian đó. Bản thân Đại sứ Alfred Almasi cũng đã từng tham gia vận động, quyên góp hàng trăm chiếc xe đạp, thuốc men… để gửi sang giúp đỡ Việt Nam.

Lịch sử của Hungary và Việt Nam có nhiều điểm giống nhau. Cả hai đất nước đều phải trải qua các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, trải qua những đau thương, gian khổ rồi mới đi đến thắng lợi. Bởi vậy, theo ông, dẫu Hungary không có những nhân vật kiệt xuất như Hồ Chí Minh nhưng tư tưởng của các nhà lãnh đạo hai đất nước về hòa bình, hữu nghị có nhiều điểm tương đồng.

Không chỉ trong thời gian làm nhiệm kì, sau này, ông Alfred Almasi còn có nhiều dịp trở về Việt Nam, chứng kiến từ những giai đoạn bom rơi, đạn lạc đến những thời kỳ phát triển, lớn mạnh của Việt Nam. Bởi vậy, ông gắn bó với Hà Nội bằng những kí ức, những kỉ niệm không thể nào quên.

“Việt Nam đang hân hoan chuẩn bị đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây thực là niềm tự hào của người dân thủ đô nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung khi nhìn lại lịch sử hào hùng 1000 năm. Tôi về Việt Nam  lần này không với tư cách của một người khách du lịch mà trở về với những kỉ niệm sau nhiều năm gắn bó. Nếu được làm một bộ phim, tôi sẽ làm phim “Kí ức về Hà Nội” để chào mừng sự kiện trọng đại này của các bạn"– ông chia sẻ.

Hà Nội hôm nay đã đổi thay nhiều, lần nào về Việt Nam, ông cũng cùng vợ đi dạo trên những con phố, vòng quanh Hồ Tây, bờ Hồ,… để cùng chiêm nghiệm về Hà Nội trong quá khứ và trong hiện tại. Người phụ nữ đi bên cạnh ông – người nữ sinh với tà áo dài trắng của trường Trưng Vương thuở nào đã gắn bó với ông gần trọn cuộc đời. Đó là mối lương duyên, là sợi dây tình cảm vô giá gắn kết ông với Việt Nam - đất nước của những con người hiền hậu…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực