Tết Việt Nam qua con mắt người nước ngoài

Thứ ba, 16/02/2010 18:36

(ĐCSVN)Ngày càng có nhiều người nước ngoài sinh sống, làm việc và học tập tại Việt Nam. Với họ, Tết cổ truyền của Việt Nam như một điển hình đặc sắc của văn hóa Việt và họ cũng háo hức mong chờ…

 

 Nastya Voronova, Ksenya Krasnobaeva cũng như cô bạn người Việt
Lilya Nguyen (bên phải) rất háo hức khi được đón Tết của Việt Nam
                                                                                   
Ảnh: KPG

Khi chúng tôi gặp các giáo viên và học sinh trường Đại sứ quán Nga để hỏi về Tết Việt và các hoạt động tổ chức đón Tết của nhà trường, chúng tôi cảm nhận được sự thích thú và háo hức của những người bạn Nga đối với ngày Tết của dân tộc mình. Các em Nastya Voronova, Ksenya Krasnobaeva và Lilya Nguyen (15 tuổi) đều cho biết: Vào mỗi dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, trường đều tổ chức chương trình múa hát, đón Tết rất vui. Với riêng Nastya Voronova và Ksenya Krasnobaeva, các em đã ở Việt Nam từ 3-5 năm, nên ngày Tết của Việt Nam cũng được các em coi như một dịp lễ đặc biệt của nước Nga. “Vào những ngày Tết, đường phố rất sạch đẹp và có nhiều hoa. Bánh chưng cũng rất ngon. Và chúng em được nhận lì xì. Ở Nga không có phong tục này” - em Nastya Voronova thích thú kể.

Cô giáo Vera Ivanobna Glazkova (40 tuổi) mới sang Việt Nam được một năm và việc được ăn Tết Việt sẽ giúp cô hiểu nhiều về văn hóa truyền thống của một dân tộc Á Đông. Cô cho biết, vào dịp lễ Tết, nhà trường được nghỉ học, các em học sinh Việt Nam về nhà ăn Tết; tuy hầu hết chỉ có người Nga nhưng hoạt động đón Tết vẫn được tổ chức rất vui. Em Nguyễn Đức Cảnh (13 tuổi) thì tỏ ra rất háo hức khi được giới thiệu với các thầy cô giáo và bạn bè nước ngoài về Tết Việt. “Chúng em được vẽ tranh mô tả về Tết: vẽ cây quất, cây đào, phong bao lì xì… Và các bạn ấy thích nhất là được nhận tiền mừng tuổi của người lớn” – Cảnh Đức cười và nói với chúng tôi.

  

Whalen được đón Tết
 với tư cách một thành
viên trong gia đình Việt

Khác với nhiều người nước ngoài khác đến Việt Nam, Charles  Whalen Rutherford (28 tuổi) có ý định định cư lâu dài tại Việt Nam và đặc biệt hơn, anh còn là chàng rể của một gia đình Việt. Việc lấy vợ Việt Nam và việc được đón Tết Nguyên đán với tư cách là một thành viên trong gia đình người Việt đã giúp Whalen có điều kiện “thâm nhập” và hiểu sâu sắc hơn về văn hóa Việt. Sinh ra và lớn lên tại Mỹ, Whalen ít có dịp biết đến Tết cổ truyền của một nước phương Đông. Anh từng nghĩ rằng, Tết Việt cũng giống như ngày lễ Giáng sinh và Tết Tây nói chung. Điều Whalen thấy khác biệt nhất đó là không khí chuẩn bị Tết rộn ràng ở khắp nơi, mọi người thường tập trung về quê nhà để đón Tết, rồi cả phong tục dọn nhà cửa, tiếp khách hay đi chúc Tết… tất cả đều rất hân hoan, náo nức. Whalen cho rằng mình thật may mắn khi được làm “con rể Việt Nam” và Tết năm nay, Whalen lại háo hức được cùng vợ về quê đón Tết với gia đình.

Các bạn sinh viên nước ngoài học tập tại các trường đại học ở Việt Nam cũng có những cảm nhận rất riêng về ngày Tết ở nơi không phải là quê hương họ. Keolatda Lianapeaseuth (25 tuổi), đến từ tỉnh Luông-nặm-tha (Lào) đang theo học lớp  K42E1 Khoa Thương mại quốc tế, Đại học Thương mại, cho biết: “Mình đã ăn Tết tại Việt Nam 2 lần rồi, đó là những cảm giác rất thú vị và đặc biệt. Nhìn những cành đào cành quất tượng trưng cho ngày Tết mà tôi được nhìn thấy ở các nhà dân khá lạ mắt, cả bánh chưng nữa, cũng rất ngon. Vào ngày Tết, nhóm sinh viên Lào chúng tôi thường tổ chức đi thăm gia đình bạn bè Việt. Chúng tôi mang rượu, trà, sôcôla.. đến làm quà tặng cho họ…”

  
 Kim Young Suk đã có 3 lần
đón Tết cổ truyền  Việt Nam

Cô sinh viên người Hàn Quốc Kim Young Suk, trường Đại học Hà Nội thích thú kể: “3 năm liền mình không đón Tết tại Hàn Quốc chỉ vì mình muốn được hưởng nhiều “hương vị” văn hoá của Việt Nam. Mình rất thích ngày Tết cổ truyền ở đây, trước giao thừa, mình được gia đình bạn bè dẫn đi chơi chợ hoa, đèn lồng, được lì xì, uống rượu cần và cả được gói bánh chưng nữa. Đó là những kỷ niệm mà mình sẽ không bao giờ quên, thật đáng nhớ trong đời sinh viên xa nhà của mình…”

Jessica Allen (người Hà Lan, 27 tuổi), đang theo học trường quốc tế Raffles tâm sự: Hồi còn ở quê hương, tớ thường ở nhà với gia đình vào dịp giao thừa. Chúng tớ ăn những bữa thịnh soạn, chúc mừng nhau và mở champagne. Khi sang Việt Nam theo học, vào dịp Tết cổ truyền của các bạn năm đầu tiên, mình chẳng biết làm gì ngoài việc học, nhưng sau đó khi quen nhiều bạn rồi thì Tết là dịp để đi chơi và khám phá, Tết của các bạn thật thú vị và độc đáo..”

Những nét văn hóa khác biệt đã khiến bạn Raju Mahmood Janjua (Pakistan) đang theo học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn không khỏi bất ngờ. “Ở nước mình, người ta không chào đón năm mới. Thay vào đó, chúng tôi có những ngày lễ cực lớn của người Hồi giáo. Còn ngày đầu năm thì lại vẫn coi như ngày thường. Khi sang đây, mình cũng hơi bỡ ngỡ, ít bạn bè vì người Pakistan tại Việt Nam rất ít.  Nhưng năm nay thật vui, vì mình được một bạn cùng lớp mời về nhà ăn Tết cùng gia đình bạn ấy.”/. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực