Anh Cao Văn Công chia sẻ tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến trong thực hiện Chỉ thị 03
do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức mới đây tại Hải Phòng. Ảnh: HM
Đến với bản Áng hôm nay mọi người bị thu hút bởi màu xanh của những trang trại hiện đại, cảnh đói nghèo trước đây giờ chỉ còn trong quá khứ. Những mảnh đất bị bỏ hoang trước kia nay người dân đã quay trở lại canh tác, đó là một tín hiệu vui. Tuy nhiên ít ai biết rằng, để có được những thành quả như ngày hôm nay, anh Cao Văn Công, ở bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) đã phải trải qua những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua.
Anh Công chia sẻ: Cách quốc lộ 6 khoảng 3 km nhưng đường vào bản Áng khó đi, quanh co kéo dài tới 6 km, độ dốc cao… người dân đánh giá đây là vùng đất chỉ có các loại cây gỗ rừng mới có thể mọc được. Nhiều người khuyên anh từ bỏ ý định cải tạo vùng đất dốc này, thế nhưng không đầu hàng trước hoàn cảnh, anh đã đến Trung Quốc học hỏi những kinh nghiệm canh tác trên đất dốc. “Sau chuyến đi đó tôi đặt vấn đề với UBND xã Đông Sang được thuê đất để thử nghiệm với cách làm nông nghiệp mới và đã được UBND xã đồng ý giao đất”.
Anh Công cho biết “có đất rồi nhưng ngày đó đường vào bản Áng khó đi, điện và nước chưa có. Tôi đã đầu tư 1,4 tỷ đồng xây dựng hệ thống đường bê tông dài 1,3km, cũng như hệ thống điện, nước vào trang trại của mình”.
Ban đầu anh Công trồng thông ở trên đồi, dưới chân đồi anh quy hoạch trồng cây ăn quả, sau đó anh trồng xoài, nuôi trâu, bò… Nhưng ngày đó giá sữa rẻ, thịt trâu bò không được giá, phân trâu dùng để bón cho xoài thì chỉ được 2 năm khiến xoài giảm chất lượng… Anh Công quyết định chuyển từ nuôi trâu, bò sang nuôi 5 nghìn con gà thịt.
Sau khi nuôi gà và trồng xoài thành công, anh đã phát triển đàn gà từ 5 ngàn con lên 3 vạn con gà thả vườn. Từ năm 2008-2011, trang trại của anh cung cấp một số lượng trứng gà lớn ra thị trường, cho lãi cao. Tuy nhiên, đi học hỏi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều mô hình trang trại anh vẫn trăn trở vì nông dân ở những nước khác khi đã gây dựng trang trại quy mô lớn thì thu nhập thường cao hơn người nông dân ở Việt Nam. Nhiều lần tìm hiểu anh đã mạnh dạn thay đổi các loại giống cây trồng, và đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ tưới tiêu tự động của Mỹ, hay hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel, từ đó cho năng suất và chất lượng sản phẩm tại trang trại của anh năm sau luôn cao hơn năm trước.
Tận dụng tối đa điều kiện của thổ nhưỡng và khí hậu, các loại cây ăn quả tại trang trại của anh thường bán được giá cao. Hiện trang trại của anh Công rộng 10ha, với các loại cây ăn quả xoài, nhãn, dâu tây, mắc ca và nhiều loại vật nuôi khác, năm 2015, trang trại của anh đã cho thu nhập trên 4 tỷ đồng tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên, mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.
Với suy nghĩ, bản thân đã giàu rồi thì phải giúp đỡ người dân trong bản có cơ hội cùng giàu, anh đã áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, phối hợp cùng với các hộ gia đình nông dân trong bản hình thành nên những trang trại sản phẩm nông nghiệp xanh - sạch.
“Học tập Bác là không ngừng học hỏi, tôi luôn muốn chia sẻ với mọi người dân người nông dân ở Mộc Châu nói riêng và nông dân Việt Nam nói chung có thể nâng cao sản xuất, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”, anh Công khẳng định.
Mộc Châu là vùng được thiên nhiên ưu đãi, đây là mảnh đất đã và đang được nhiều nhà kinh doanh để ý đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao. Vì thế anh Công mong muốn Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền có thêm những chính sách để hỗ trợ người nông dân xây dựng hệ thống đường giao thông và hệ thống điện nước để có điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, anh cũng mong muốn các cấp Hội Nông dân tổ chức thêm nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật để nông dân có cơ hội được học hỏi, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp./.