Độc đáo chợ biên giới Việt Nam - Lào

Thứ ba, 15/10/2024 11:35
(ĐCSVN) - Chợ biên giới Việt Nam - Lào là nơi giao thương khá sầm uất của người dân Việt Nam - Lào sát biên giới, thể hiện rõ nét văn hóa người dân tộc bản địa của cả hai nước.

Chợ phiên biên giới nằm ở khu vực Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An (Việt Nam) và Cửa Khẩu Namkan, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) ra đời từ khá lâu, thể hiện tình hữu nghị giữa nước bạn với nước ta, nên chợ thường được gọi là chợ Đoàn Kết. Phía Việt Nam gọi là chợ Nậm Cắn vì nằm ở khu vực Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn.

Chợ phiên biên giới nằm ở khu vực Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An (Việt Nam) và Cửa khẩu Namkan, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào). 

Trước đây, chợ họp trên khu đất bằng phẳng hình bán nguyệt lưng chừng núi, sát con suối Nậm Cắn thuộc huyện Kỳ Sơn. Sau khi Nậm Cắn được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, chợ chuyển sang họp trên thửa đất thuộc bản Đỉnh Đam, xã Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (cách đường biên khoảng 1km). Chợ Đoàn Kết không chỉ là nơi giao thương, buôn bán mà còn góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước Việt - Lào.

Chợ Đoàn Kết nằm ở giữa cửa khẩu của 2 nước, để tới chợ người dân đi qua cửa khẩu của nước mình. Do mối quan hệ kết nghĩa của 2 huyện nên việc đi lại của người dân rất thuận lợi và được tạo điều kiện cho hoạt động giao thương tại đây.

Các loại dược liệu được bày bán tại chợ. 

Đặc biệt khi đến chợ, người mua và người bán có thể sử dụng được cả tiền của Lào và tiền Việt vì khách ở đây bao gồm cả người Việt Nam và người Lào. Ngoài những mặt hàng đặc trưng, chợ có khu ẩm thực với những món ăn đặc sản đến từ 2 nước.

Chợ họp một tháng 4 lần. Trước đây, chợ vốn họp vào các ngày 14 và 29 dương lịch, nhưng sau này để tăng cường giao lưu giữa hai nước, năm 2018, chính quyền hai tỉnh vùng biên Việt Nam và Lào đã tăng phiên chợ biên tới 4 lần/tháng, vào Chủ nhật hàng tuần. Đây là dịp để người dân bản địa tỉnh Nghệ An (Việt Nam) và tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) giao lưu, trao đổi hàng hóa, sản vật địa phương.

Chợ bán rất nhiều thịt động vật. 

Chợ biên giới là nơi quy tụ muôn sắc về văn hóa của các đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú... ở miền tây Nghệ An và các dân tộc sinh sống ở Lào.

Từ các sản vật ẩm thực cho đến trang phục hay đồ dùng vật dụng đều được bà con dân bản mang ra trao đổi, mua bán. Điều đặc biệt nhất ở khu chợ vùng biên chính là những sản vật được cư dân nơi biên giới thu hái từ chính vùng núi non kỳ vĩ này.

Từ chiều hôm trước, đồng bào hai nước đã tất bật dựng lều quán, nhưng khi đêm xuống, hầu hết những người đi chợ không ngủ. Họ gặp nhau, chia sẻ cùng nhau những vui buồn trong cuộc sống bên chén rượu ngô nồng đượm.

 Các loại rau của bà con hai bên biên giới Việt Nam - Lào.

Chợ biên giới còn đặc sắc bởi gian hàng ẩm thực của người Lào. Những người chủ quán ở đây đều nói được tiếng Việt. Lúc này, chợ phiên không còn là hoạt động giao thương buôn bán nữa mà là nơi giao lưu thắm tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào. Có người vượt hàng chục km đường rừng đến chợ không phải để mua bán mà đơn giả chỉ để giao lưu với bạn bè, người thân bên kia biên giới.

Bà con hai bên biên giới nay đi chợ không còn vất vả nữa khi các tuyến đường giao thông miền núi ngày nay đã khá hơn, lại có phương tiện cơ giới.

 Nấm rừng.

Tại chợ, rất nhiều loại hàng hóa từ nhiều vùng miền đã được đưa lên đây. Mặt hàng chủ lực của người Việt ở phiên chợ chủ yếu là quần áo, giày dép, đồ gia dụng...

Còn tiểu thương Lào cung ứng phần lớn các loại vải thổ cẩm, các thực phẩm như rau, củ, quả, thịt động vật. Cải Mông, gà đen là những thực phẩm ưa thích của người Việt, trong khi người Lào lại chú ý muối, mực khô, cá biển, cá đồng...

Chợ phiên giờ không còn là hoạt động giao thương buôn bán nữa mà là nơi giao lưu, gắn kết tình cảm hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào anh em. 

Đến với chợ biên giới, du khách không chỉ thỏa sức mua sắm những sản vật của hai địa phương vùng biên mà còn được thưởng thức những điệu khèn của người Mông, uống rượu, ăn xôi nếp nương, trải nghiệm những hoạt động văn hóa đậm đà bản sắc của 2 nước Việt - Lào... khiến du khách mê đắm, lên với chợ phiên rồi lưu luyến chẳng muốn rời.

Chợ phiên giờ không còn là hoạt động giao thương buôn bán nữa mà là nơi giao lưu, gắn kết tình cảm hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào anh em./.

Thảo Vy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực