Tăng cường hợp tác phát triển du lịch biên giới Việt Nam - Lào

Thứ hai, 14/10/2024 08:49
(ĐCSVN) - Hợp tác du lịch biên giới giữa Việt Nam và Lào đang trên đà tăng trưởng phát triển rất tốt, tiềm năng hợp tác còn rất lớn. Tuy nhiên, để hoạt động du lịch khu vực này thật sự có hiệu quả, đòi hỏi sự nỗ lực từ cả hai phía.

Nhiều tiềm năng phát triển du lịch biên giới

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Việt Nam và Lào có chung đường biên giới đất liền dài hơn 2.300km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh của mỗi bên, là khu vực có tiềm năng phát triển, có vị trí chiến lược trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Phía Việt Nam gồm các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Kon Tum. Phía Lào gồm các tỉnh Louangphabang, Houaphanh, Attapeu, Sekong, Xiangkhouang, Bolikhamsai, Khammouane, Savannakhet, Saravane, Phongsaly. Trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 8 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và 9 khu kinh tế cửa khẩu.

Những ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào là cơ hội để các địa phương 2 nước tăng cường kết nối, phát triển du lịch.  

Khu vực biên giới Việt Nam - Lào (phía Việt Nam và phía Lào) là khu vực có tài nguyên đa dạng, phong phú, tính đặc thù cao, có nhiều tài nguyên tương đồng nhưng vẫn khác biệt, vừa có khả năng hình thành tính đặc trưng cho khu vực vừa có khả năng bổ trợ lẫn nhau để tăng cường tính hấp dẫn. Những điểm đến của hai nước còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết hợp tác du lịch Việt Nam - Lào từng bước phát triển trong những năm qua, cùng sự phát triển của quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Nhiều hoạt động hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm, xúc tiến du lịch trong khuôn khổ song phương và đa phương đã được triển khai và đạt được những kết quả nhất định, thu hút sự tham gia của các địa phương, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch hai nước.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến truyền thống với khách du lịch Lào và Lào cũng là một trong những điểm đến du lịch được nhiều người Việt Nam lựa chọn. 

Cánh đồng Chum- Di sản văn hóa thế giới trên đất nước Lào thu hút nhiều du khách quốc tế, trong đó có Việt Nam. 

Năm 2023, lượng khách du lịch Việt Nam đến Lào đạt hơn 837.000 lượt, tăng 133% so với năm 2022 và ở chiều ngược lại, lượng khách Lào đến Việt Nam hơn 120.000 lượt, tăng 155%.

Trong 8 tháng năm 2024, quốc gia này đã đón hơn 2,65 triệu lượt khách quốc tế, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn du khách quốc tế đến Lào trong giai đoạn này đến từ Thái Lan, tiếp theo là Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Thúc đẩy liên kết phát triển du lịch

Thực tế, trong nhiều năm qua, du lịch biên giới  Việt - Lào đã có những dấu ấn nhất định, tuy nhiên để hoạt động du lịch khu vực này thật sự có hiệu quả, đòi hỏi cả hai phía phải nỗ lực khắc phục tình trạng về: Hệ thống giao thông, vật chất kỹ thuật ngành Du lịch như nhà hàng, khách sạn, trạm dừng chân, trạm tiếp xăng dầu, hệ thống đường dẫn đến các điểm du lịch phải được đầu tư đồng bộ, đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại các tỉnh biên giới của Lào phần lớn tập trung vào thương mại là chính, chưa chú trọng đầu tư vào lĩnh vực du lịch..., nên sản phẩm du lịch biên giới chưa thực sự hấp dẫn du khách.

Để phát huy tối đa lợi thế của mỗi nước, trong thời gian tới, Việt Nam và Lào cần phối hợp thúc đẩy liên kết về phát triển hạ tầng du lịch như xây dựng hệ thống cảng du lịch và các điểm dừng chân trên các tuyến du lịch đường bộ, phát triển các điểm du lịch, sản phẩm du lịch gắn với du lịch đường bộ, phát triển các hành lang giao thông thành hàng lang du lịch...

Giao lưu văn hóa, du lịch giữa hai nước là cầu nối thúc đẩy du lịch biên giới Việt Nam - Lào phát triển. 

Tăng cường phối hợp xúc tiến quảng bá chung giữa hai nước Việt Nam - Lào trở thành một điểm đến chung với du khách quốc tế. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ và xúc tiến đầu tư tư nhân của Việt Nam vào các khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ tại Lào; kêu gọi các dự án đầu tư của các tổ chức quốc tế vào kết nối sản phẩm du lịch Lào - Việt Nam và nước thứ 3.

Phát triển loại hình du lịch đường bộ qua các cửa khẩu miền Trung sang Lào cần đẩy mạnh liên kết trong quản lý Nhà nước về du lịch; liên kết trong xúc tiến, quảng bá điểm đến; thiết kế sản phẩm và xúc tiến bán; mở đường bay trực tiếp và liên kết trong tổ chức phục vụ khách. Trong đó, “liên kết trong quản lý Nhà nước về du lịch cần thống nhất về quy hoạch tổng thể trong phát triển du lịch ở các tỉnh khu vực miền Trung giáp biên Lào; khuyến khích đầu tư cho các dịch vụ còn thiếu và chưa đạt chất lượng; đầu tư sửa chữa, nâng cấp một số tuyến đường bộ trọng điểm, hình thành hệ thống đường bộ cao tốc trên suốt tuyến hành lang Đông Tây.

Lào giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch tại Tuần Văn hóa - Du lịch Tây Bắc và thành phố Hồ Chí Minh tại tỉnh Luang Prabang.

Hai bên cũng cần tăng cường thúc đẩy phát triển du lịch gắn kết với thương mại biên giới; đẩy mạnh hoạt động du lịch kết hợp với triển lãm thương mại, mua sắm qua biên giới; mở rộng các điểm, tuyến du lịch văn hóa qua biên giới, tuyến du lịch kết nối các tỉnh Việt Nam và Lào. Cùng với đó, khuyến khích xây dựng và phát triển các tuyến du lịch vào sâu trong nội địa của hai nước và kết nối với các nước trong khu vực.

Ngành du lịch các tỉnh có chung đường biên giới của hai nước cũng cần tăng cường công tác phối hợp trong đào tạo nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường phối hợp xúc tiến quảng bá chung 2 nước Việt Nam - Lào trở thành một điểm đến chung với du khách quốc tế./.

Bảo Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực