Trong những năm qua, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự gắn kết giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào cùng với nỗ lực khắc phục khó khăn vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Lào ngày càng khởi sắc và tăng trưởng mạnh mẽ. Với tiềm năng phát triển lợi thế sẵn có, trong những năm gần đây, Chính phủ hai nước luôn đề ra mục tiêu kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào không chỉ tăng trưởng ở mức độ 10%-15%/năm mà còn hướng đến phát triển ổn định bền vững.
Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam và Lào gần gũi về địa lý, có ưu thế về thuận tiện giao thông, cũng như gần gũi về văn hóa và tiêu dùng. Hai nước có chung đường biên giới dài hơn 2.300 km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên, là khu vực có tiềm năng phát triển, có vị trí chiến lược trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 9 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và đã thành lập 9 Khu kinh tế cửa khẩu…
|
Hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. (Ảnh minh họa) |
Thương mại hai nước được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất về 0% cho hầu hết các mặt hàng của hai nước theo các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 09 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Lào đạt 1,5 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2023. Lào tiếp tục duy trì cán cân thương mại thặng dư với Việt Nam. Xuất khẩu sang Lào đạt 491,9 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu từ Lào đạt 1 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng trưởng hết sức khả quan trong bối cảnh nền kinh tế Lào vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Lào gồm cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, quặng và khoáng sản. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu chính sang Lào gồm sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị, dụng cụ...
Thời gian qua, Chính phủ hai nước đã có nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của hai nước. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm hạn chế khiến thương mại Việt Nam - Lào chưa phát triển tương xứng, như chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất chế biến, cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics tại khu vực cửa khẩu chưa hiệu quả. Hơn nữa, việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu, tuyến đường liên huyện tại một số khu vực còn chậm, chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa tại khu vực biên giới.
|
Ưu tiên hỗ trợ kinh phí tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội chợ, triển lãm thương mại biên giới nhằm tăng cường kết nối giao thương. (Ảnh minh họa) |
Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển thương mại biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào, ông Trần Quốc Toản cho biết, các đơn vị cần tập trung thực hiện tuyên truyền, phổ biến và thực hiện các Điều ước quốc tế và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhất là các văn bản mới được ban hành.
Phát triển thương mại biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào cần dựa trên cơ sở nhu cầu thị trường đối với những mặt hàng xuất, nhập khẩu chủ lực của hai nước. Đối với Việt Nam, trong giai đoạn trước mắt, mặt hàng xuất khẩu sang Lào vẫn là sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị, dụng cụ.... các mặt hàng nhập khẩu chính từ Lào chủ yếu vẫn là cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, quặng và khoáng sản.
Đồng thời, xây dựng cơ chế quản lý thương mại và xuất nhập khẩu vùng biên giới linh hoạt, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương; phân cấp hợp lý về quản lý hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu vùng biên giới cho địa phương các tỉnh biên giới.
Bên cạnh đó, tiếp tục khuyến khích, định hướng doanh nghiệp triển khai thực hiện hoạt động xuất khẩu theo hình thức “chính ngạch”; kêu gọi các doanh nghiệp dịch vụ logistics hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh, giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm chi phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa đồng thời quán triệt mục tiêu “đặt ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho nhân dân và người lao động”. Phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên biên giới với nước bạn Lào để phát triển quan hệ thương mại và xuất nhập khẩu vùng biên giới giữa hai nước, đồng thời gắn với phát triển thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa của các tỉnh biên giới.
Phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào theo xu hướng văn minh, hiện đại, ngày càng tự do, thuận lợi, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia, tiến tới thông minh hóa cơ sở và trang thiết bị sản xuất, vận hành tại cửa khẩu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc vùng biên và luôn gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.
Bộ Công Thương cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp triển khai một số giải pháp nhằm phát triển thương mại biên giới với Lào trong thời gian tới, cụ thể như: Tiếp tục đưa các nội dung về việc tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho thương mại biên giới, đặc biệt là các biện pháp đảm đảm bảo thông quan vào trao đổi tại các cơ chế hợp tác song phương và đa phương với cơ quan chức năng, địa phương phía Lào thời gian tới; Thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác tạo thuận lợi cho hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Lào; Ưu tiên hỗ trợ kinh phí tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội chợ, triển lãm thương mại biên giới, nhằm tăng cường kết nối giao thương và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa giữa thương nhân và cư dân biên giới hai nước; Tiếp tục nghiên cứu các cơ chế chính sách và triển khai các biện pháp tạo môi trường thông thoáng nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp hai bên đầu tư vào khu vực biên giới; Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam xây dựng kênh phân phối và xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam tại Lào; Hỗ trợ các thương nhân tổ chức hệ thống phân phối vào sâu trong thị trường nội địa của hai nước./.