|
Di tích khảo cổ Bãi Ông khai quật năm 2000. Ảnh: TTQLBTDSVH Hội An. |
Cụ thể, đầu tư xây dựng 1 nhà bia di tích quốc gia tại di tích khảo cổ Bãi Ông (xã Tân Hiệp) với tổng mức đầu tư 800 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Vị trí nằm ngoài khu vực thám sát, khảo cổ; ở khoảng giữa và kết nối thuận lợi từ khu di tích từ đường bê tông dân sinh phía Nam.
Di tích khảo cổ học Bãi Ông được phát hiện và đào thám sát vào tháng 5/1999, khai quật vào tháng 6/2000 thuộc thôn Bãi Ông - Hòn Lao - Cù Lao Chàm - Hội An. Từ kết quả thám sát và khai quật cho thấy đây là địa điểm cư trú kết hợp mộ tang, là di chỉ của cư dân tiền Sa Huỳnh thời Sơ kỳ Kim khí với niên đại 3100 ± 60 BP. Cho đến nay, đây là di tích có niên đại sớm nhất được phát hiện ở Hội An.
Diện tích mặt bằng 35m2, chiều cao 3,3m. Bố trí bia thông tin giới thiệu di tích tại chính giữa nhà bia, toàn bộ kết cấu bia được gia công bằng đá tự nhiên khối lớn, nội dung thông tin được khắc chạm trực tiếp trên đá hoặc trên tấm inox ốp vào bia.
Xây dựng các giàn hoa xung quanh nhà bia; bố trí ghế đá phục vụ nghỉ chân cho du khách; trồng cây xanh tôn tạo cảnh quan,...
Các hạng mục đầu tư tu bổ nằm trong khu vực đã được khoanh vùng bảo vệ di tích theo quy định của Luật Di sản văn hoá, phù hợp với quy hoạch chung đô thị của địa phương.
Đầu tư xây dựng 4 bia di tích cấp tỉnh, gồm: Bia di tích khảo cổ Trảng Sỏi; Bia di tích khảo cổ Hậu Xá I; Bia di tích khảo cổ Hậu Xá II; Bia di tích khảo cổ An Bang (phường Thanh Hà).
|
Di tích khảo cổ An Bang, khai quật tháng 5/1995. Ảnh: TTQLBTDSVH Hội An. |
Tổng đầu tư của 4 bia di tích là 1,2 tỉ đồng (mỗi bia 300 triệu đồng) từ nguồn ngân sách tỉnh.
Mỗi bia di tích diện tích mặt bằng 9,0 m2, chiều cao bia 1,7 m; được gia công bằng đá tự nhiên khối lớn, nội dung thông tin được khắc chạm trực tiếp trên đá hoặc trên tấm inox ốp vào bia; bố trí ghế đá phục vụ nghỉ chân cho du khách; trồng cây xanh tôn tạo cảnh quan.
Theo tư liệu Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, kết quả thực hiện dự án “Khai quật khảo cổ học về di tích Văn hóa mộ chum Sa Huỳnh ở thị xã Hội An” từ năm 1993 - 1995 đã làm sáng tỏ các giá trị của di tích khảo cổ An Bang và vai trò, vị trí, mối liên hệ của nó trong hệ thống di tích Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An.
Đặc điểm nổi bật của di tích An Bang là mộ chum được chôn thành cụm, mật độ khá dày, hầu hết mỗi mộ chum có biên mộ riêng. Qua đặc điểm phân bố hiện vật cho thấy táng thức của cư dân Sa Huỳnh tại khu mộ táng Thanh Chiếm, Hậu Xá II và Hậu Xá I có điểm tương đồng với di tích mộ táng An Bang.