Giá trị của “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hôm nay

Thứ sáu, 21/04/2023 11:14
​(ĐCSVN) - Đề cương về Văn hóa Việt Nam là văn kiện quan trọng, được coi là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, đã góp phần quan trọng vào việc hình thành, phát triển nền văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; trở thành ngọn cờ tập hợp, khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943. (Ảnh tư liệu) 

Trên cơ sở phương pháp luận mác xít gắn với phân tích sâu sắc thực tiễn đất nước, Đề cương về Văn hóa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Đề cương) đã thể hiện những nội hàm chủ yếu của văn hóa, bao gồm “tư tưởng, học thuật, nghệ thuật”, nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của tình hình thời kỳ đó. Đề cương khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, coi “mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động”. Do đó, “không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa”. Trong bối cảnh lịch sử đương thời, luận điểm này là cơ sở quan trọng để tập hợp, phát huy sức mạnh quần chúng và giới trí thức, kiến tạo nền tảng và nguồn sức mạnh tinh thần cùng với các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế,... góp phần phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt, Đề cương cũng chỉ rõ mặt trận văn hóa sẽ tiếp tục phát huy vai trò then chốt của mình thông qua cuộc cách mạng văn hóa với ba nguyên tắc vận động căn bản, gồm: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập). Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng). Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ).

Ra đời trong bối cảnh đặc biệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, khi đất nước còn chìm trong bóng đêm nô lệ, nhân dân chịu nhiều tầng áp bức, bóc lột, Đảng ta hoạt động bí mật,... Đề cương đã tỏ rõ thái độ cách mạng triệt để, không khoan nhượng nhằm huy động sức mạnh tổng lực của toàn dân tộc cho sự nghiệp cách mạng; “thức tỉnh”, thống nhất nhận thức, tư tưởng, định hướng tầng lớp văn nghệ sĩ, trí thức, quần chúng nhân dân lựa chọn đúng con đường cách mạng để hết lòng, hết sức phụng sự cho Đảng, cho Tổ quốc, đồng thời giải phóng nền văn hóa Việt Nam khỏi xiềng xích nô lệ.

Khi đất nước đã giành được độc lập, với tư duy khoa học, phát triển, nhiều nội dung trong Đề cương được Đảng ta nhận thức sâu sắc hơn, điều chỉnh, mở rộng và phát triển thêm. Cho đến nay, không ai có thể phủ nhận giá trị lịch sử to lớn cũng như vai trò tiên phong mở đường, đặt nền móng lý luận và thực tiễn của Đề cương đối với sự phát triển của văn hóa Việt Nam. Đó là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các văn kiện sau này của Đảng về văn hóa, văn nghệ, góp phần định hướng và dẫn đạo nền văn hóa Việt Nam cất cánh lên những tầm cao mới. Giá trị của Đề cương không chỉ có ý nghĩa riêng đối với sự phát triển nền văn hóa Việt Nam trong suốt 80 năm qua, mà còn là nền tảng rất quan trọng trong xây dựng con người Việt Nam, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và phát huy tiềm lực chính trị tinh thần, gia tăng sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Để tiếp tục kế thừa, phát huy giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

Một là, xác định đúng đắn vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hoá trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Đề cương đã khẳng định, văn hóa là một mặt trận, do vậy, cần nhận thức đúng vai trò của văn hóa, để văn hóa cũng được quan tâm, có vị trí xứng đáng so với kinh tế, chính trị, giáo dục, y tế, v.v. Văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội; làm cho văn hóa thực sự là hồn cốt của dân tộc, nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, một trụ cột phát triển bền vững của quốc gia. Trên cơ sở đó, chuyển hóa những giá trị văn hóa thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và sức mạnh mềm bảo vệ Tổ quốc. Muốn vậy, phải tiếp tục tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển văn hóa với tư cách là nền tảng của sự phát triển; khơi thông và tối ưu hóa các nguồn lực, tạo môi trường đủ sức dung dưỡng, khích lệ, sáng tạo nên những sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của con người Việt Nam, thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc, định vị được sức mạnh văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, qua đó, tạo sức mạnh mềm trong cấu trúc sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.

Đề cương xác định: “văn hóa là một mặt trận” để “tranh đấu về học thuyết, tư tưởng”, “tranh đấu về tông phái, văn nghệ”, “tranh đấu về tiếng nói, chữ viết”. Vì vậy, Đảng phải giữ vững vai trò lãnh đạo trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật; nâng tầm công tác tư tưởng - lý luận văn hóa, văn nghệ, đủ sức định hướng, dẫn dắt, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới. Chăm lo phát triển đội ngũ nòng cốt trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là trí thức, văn nghệ sĩ, chuyên gia, nhà khoa học với bản lĩnh chính trị vững vàng, sắc bén về lý luận, dày dạn thực tiễn, có uy tín trong xã hội. Cùng với đó, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa; giữ vững tính chủ động và tổ chức lực lượng đấu tranh kiên quyết, đồng bộ thông qua tổng thể các loại hình đấu tranh: chính trị, tư tưởng, kinh tế, pháp lý, hành chính,...; kiên quyết ngăn chặn sự xâm lăng văn hóa, xâm nhập các sản phẩm văn hóa độc hại, các khuynh hướng sáng tác trái với đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và khuynh hướng thẩm mỹ lệch lạc; đập tan mọi chính sách, thủ đoạn nô dịch về văn hóa, cô lập phần tử phản động, cơ hội; giáo dục, cảm hóa những người lỡ lầm đường, lạc lối đứng về phía đất nước, nhân dân, vì chân lý, lẽ phải.

Hai là, bảo tồn, phát huy, lan tỏa, chuyển hóa các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc thành sức mạnh mềm bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc ngày nay, cần quan tâm bảo tồn, gìn giữ, tăng cường lan tỏa những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, giá trị truyền thống tốt đẹp, bền vững, tinh hoa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam được vun đắp qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đó là: lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực tự cường; tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống, v.v. Những giá trị văn hóa này nếu được lan tỏa, thẩm thấu, phát huy tốt sẽ góp phần chuyển hóa thành nguồn sức mạnh nội sinh, “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc,… và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” , xây dựng tính cố kết dân tộc, tiềm lực chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Mặt khác, khi hình ảnh đất nước, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam được lan tỏa rộng rãi, có sức hấp dẫn sẽ giúp người dân và các chính phủ, các tổ chức quốc tế hiểu biết, tôn trọng, ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ Việt Nam phát triển, tăng cường mở rộng đầu tư, kinh doanh vào Việt Nam. Theo đó, uy tín, vị thế đất nước được nâng lên, tạo thế đan cài lợi ích, bắt tay cùng nhau phát triển, môi trường hòa bình được duy trì, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc cũng vì thế mà được củng cố và phát triển.

Ba là, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu của Đề cương là xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, “chống lại văn hóa phát xít, phong kiến, thoái bộ, nô dịch, văn hóa ngu dân và phỉnh dân” ; “thức tỉnh”, thống nhất về nhận thức, tư tưởng và tổ chức, tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, tập hợp nhân dân phát huy vai trò của văn hóa, khơi dậy khát vọng của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chuẩn bị tinh thần và lực lượng cho cách mạng. Vì vậy, trong tình hình hiện nay cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân đối với việc củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Luật Thực hiện dân chủ cơ sở trong mọi lĩnh vực, nhất là đối với những việc liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, nhằm xây dựng khối đại đoàn kết trong đồng bào các dân tộc Việt Nam. Kiên quyết đấu tranh với tệ quan liêu, cửa quyền, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân và các hoạt động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện các chính sách, phong trào và cũng là truyền thống văn hóa của dân tộc, như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”,... nhằm củng cố thế trận lòng dân ngày càng vững chắc, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần cho nền quốc phòng toàn dân. Đề cương đề ra thực hiện cuộc cách mạng văn hóa là xây dựng con người, nền văn hóa mới do Đảng lãnh đạo, “nó cách mạng nhất, tiến bộ nhất ở Đông Dương trong giai đoạn này”. Thực chất đây chính là bước chuẩn bị, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thời điểm đó. Kế thừa những tư tưởng đó trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay, để xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần cho nền quốc phòng toàn dân chúng ta cần tiếp tục phát triển nền văn hóa tiên tiến với các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên tinh thần khoa học, phù hợp với quy luật vận động, phát triển của thời đại mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Quan tâm “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”. Chăm lo xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo” được xác định trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy mạnh mẽ ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thực hiện các giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội; từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam. Tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy tài năng, trí tuệ, phẩm chất, giá trị, sức mạnh con người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước. Xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp và lực lượng vũ trang để văn hóa thực sự là động lực, đột phá phát triển các tiềm lực khác trong sức mạnh quân sự quốc gia. 

Kế thừa, phát huy các giá trị cốt lõi của Đề cương về Văn hóa Việt Nam là phương thức để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh văn hóa; gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, sức mạnh mềm bảo vệ Tổ quốc; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, giữ nước từ khi nước chưa nguy./.

TS. Nguyễn Tuấn Dũng - Học viện Quốc phòng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực