36 điệu xoè thắm tình đoàn kết của người Thái

Thứ ba, 07/06/2022 19:32
(ĐCSVN) - Múa Xòe nghệ thuật dân vũ gắn liền với đời sống của người Thái từ xa xưa. Ngày nay múa Xoè đã phát triển thành 36 điệu múa, dùng trong các dịp lập bản, dựng mường hay các lễ hội người Thái, với tính kết nối cộng đồng cao, múa Xoè đã trở thành vũ điệu biểu tượng cho tình đoàn kết các dân tộc vùng Tây Bắc.

Tài liệu người Thái cho thấy, múa Xoè đã xuất hiện trong đời sống người Thái cách đây khoảng 10 thế kỷ, vũ điệu dân gian này thường tổ chức trong các sự kiện quan trọng của người Thái. Đến đầu thế kỷ XX, múa xòe đã trở thành “vũ điệu cung đình” phục vụ các vị tù trưởng vùng Tây Bắc. Ngày nay, múa xòe đã phát triển thành 36 điệu và trở thành “tài sản văn hóa” chung của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc.

Chủ nhân của nghệ thuật xòe là cộng đồng người Thái trắng và Thái đen tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình và khu vực miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An. Từ năm 1945 trở về trước, người Thái trắng gọi các hình thức múa hát của mình là xe (tiếng Thái nghĩa là múa), người Thái đen gọi là mố. Hiện nay, rất ít người gọi theo cách phát âm cổ này, mà thường gọi là xòe Thái theo cách gọi thông thường.

 
 Điệu xoè khăn của người Thái.

Xòe Thái được cộng đồng người Thái gọi theo nhiều cách khác nhau như: Xe, xé, xóe, xòe, múa xòe, múa Then, mố... Theo thống kê, người Thái có trên 36 điệu xòe khởi nguồn từ 6 điệu xòe cổ. Đó là “Khắm khăn mơi lẩu”; “Phá xí”; “Nhôm khăn”; “Đổn hôn”; “Khắm khen”; Ỏm lọm tốp mư”. Trong đó điệu xòe cơ bản nhất là “Khắm khăn mơi lẩu” biểu đạt văn hóa ứng xử, giao tiếp của người Thái. Điệu xòe “Khắm khen” nghĩa là nắm tay cùng xòe, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, nắm chặt tay nhau cùng chung sức vượt qua khó khăn.

Điệu “Phá xí” thể hiện tình đoàn kết, keo sơn, mỗi người dù đi xa bốn phương trời, vẫn tìm đến nhau, giúp đỡ nhau. Điệu xòe “Nhôm khăn” ca ngợi thành quả lao động sáng tạo của người dân. Điệu xòe “Đổn hôn” ẩn chứa quan niệm sâu xa, đó là sự tiến lùi theo quy luật cuộc sống, làm chủ được bản thân để có được thành quả như mong muốn. Điệu xòe “Ỏm lọp tốp mư” thể hiện khát vong chung tay xây dựng bản mường ngày càng giàu mạnh, chung tay chinh phục thiên nhiên và chống lại kẻ thù…Các điệu xòe này thể hiện đầy đủ nghệ thuật dân vũ của người Thái, phản ánh quan niệm sống, cách nghĩ, nếp sinh hoạt lâu đời của người Thái.

Theo phân loại của một số nhà nghiên cứu văn hoá Thái, múa xòe có ba hình thức chính gồm: Xòe nghi lễ, xòe vòng và xòe biểu diễn. Trong đó, xòe nghi lễ tổ chức trong các lễ hội bản, mường (xên bản, xên mường…) gắn với những nghi lễ do các thầy cúng (thày Tào, thày Mo, thày Phựt, thầy Then) thực hiện, thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với trời, đất, các vị thần linh - những người đã tạo ra bản, mường, phù hộ cho người dân bản làng được ấm no, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, không có bệnh dịch, mọi sự may mắn, tốt lành...

Ở Tây Bắc hiện có 4 vùng người Thái cư trú tập trung đó là Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái), Mường Than (Lai Châu) và Mường Tấc (Sơn La). Nơi đây là những vùng có các đội xòe nổi tiếng nhất Tây Bắc. Các điệu thức múa Xoè chính người Thái đang sử dụng tại các vùng này có: Xòe khăn, Xòe quạt, Xòe nón, Xòe nhạc, Xòe chai, Xòe thắt đai lưng (Xòe khăn), Xòe sạp, Xòe hoa ban...

Các điệu Xoà đều thể hiện tinh thần bình đẳng, không phân biệt trai gái, già trẻ, vòng xòe càng nhiều người tham gia càng thể hiện sự đậm đà, ấm cúng. Các điệu xòe của người Thái đều bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, của lao động sản xuất như gánh nước, xay thóc, giã gạo, hái rau, bắt cá…

   Điệu xoè hoa người Thái.

Theo nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian Đỗ Thị Tấc, tỉnh Lai Châu, trong các hội xòe, xòe chiêng là lễ hội lớn nhất vào mùa xuân của cộng đồng người Thái ở Tây Bắc nói chung và ở Mường Than nói riêng. Người Thái tổ chức xòe chiêng để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và bản làng yên vui. Lễ hội xòe chiêng nổi tiếng đến mức được ví như “tiệc xòe”, bởi những buổi xòe chiêng bao giờ cũng có rất nhiều điệu xòe hấp dẫn, vì thế nó giống như một bữa tiệc có nhiều món ngon vật lạ.

Đến vùng Tây Bắc vào thời điểm đầu năm hay dịp diễn ra các lễ hội truyền thống, khách tham quan có thể hòa mình với những điệu xòe – điệu múa dân gian chứa đựng ước mơ, khát vọng và niềm tự hào của người Thái. Khởi nguồn từ một vũ điệu dân gian múa Xoè Thái đã đã phát triển mạnh và trở thành “tài sản văn hóa” chung, một biểu tượng về tình đoàn kết của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc.

Bài, ảnh: N Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực