Chợ phiên – nơi gìn giữ, lan tỏa văn hóa các dân tộc ở Lai Châu​

Thứ năm, 06/10/2022 10:37
(ĐCSVN) - Lai Châu tỉnh vùng cao có 20 dân tộc anh em sinh sống. Mỗi dân tộc có nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc, trong đó những phiên chợ vùng cao mang một nét độc đáo, phản ánh sinh động đời sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc ở Lai Châu.

Nhắc tới chợ phiên Lai Châu, đông đúc nhất là phiên chợ San Thàng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu, hoặc chợ phiên Sìn Hồ ở huyện Sìn Hồ và chợ phiên Dào San ở huyện Phong Thổ. Các phiên chợ này họp vào sáng Chủ nhật hàng tuần nhưng từ chiều thứ bảy đồng bào dân tộc quanh vùng đã rộn rã tới chợ. Riêng chợ San Thàng thì họp thêm một buổi vào sáng thứ Năm. Tới đây du khách được trải nghiệm, khám phá cuộc sống hằng ngày của cộng đồng các dân tộc ở địa phương, điều gây ấn tượng với du khách là những phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống đang được gìn giữ nơi đây.

Chợ San Thàng họp vào sáng thứ 5 và Chủ nhật hàng tuần, tới phiên chợ, từ sáng sớm đồng bào các dân tộc Giáy, Mông, người Thái... sinh sống quanh vùng đã rộn rã tới chợ, mang theo những sản vật của núi rừng như mật ong rừng, gà rừng hoặc những sản phẩm thủ công truyền thống khăn, áo, đồ mây tre đan, vải thổ cẩm… các mặt hàng mang tới chợ bán rất phong phú, có đủ thứ từ cái kim, sợi chỉ cho đến mớ rau, củ khoai, củ sắn hay các sản phẩm thiết yếu với gia đình…

 Chợ phiên San Thàng luôn rộn rã, ai ai cũng mặc những bộ váy áo mới sặc sỡ đủ màu, khuôn mặt nở nụ cười, xem đây là ngày hội xuống núi, nơi gặp gỡ trò chuyện sau những ngày xa vắng.

Độc đáo hơn cả là khu bán các đồ thủ công mỹ nghệ được đồng bào dân tộc chế tác tinh xảo, cùng đó là những đặc sản vùng cao như lợn cắp nách, cá sông, măng đắng... Điều thú vị nhất ở chợ San Thàng đó là chợ không chỉ là nơi mua bán trao đổi hàng hóa, giao thương, địa điểm này còn là nơi hội tụ, gặp gỡ, giao lưu, thể hiện tình cảm, sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc sinh sống quanh vùng.

Những năm gần đây, UBND thành phố Lai Châu đã đầu tư xây dựng chợ San Thàng rộng rãi, khang trang, sắp xếp các khu bán hàng hợp lý, có mái che, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thuận tiện cho việc mua bán của người dân. Tháng 12/2019 chợ đêm San Thàng được tổ chức và đi vào hoạt động, tạo một sản phẩm du lịch hấp dẫn với du khách.

Là một trong những chợ phiên lớn nhất khu vực 7 xã biên giới của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, chợ phiên Sìn Hồ là địa điểm thu hút người dân trong và ngoài xã đến kinh doanh, mua sắm. Chợ Sìn Hồ sạch sẽ, kè sỏi cuội và lợp mái lá mang những nét văn hóa của người H’Mông. Các chàng trai, cô gái dân tộc Lự mặc trang phục đẹp từ các làng bản vùng cao tới chợ mang theo những sản vật kiếm được từ núi rừng hay các sản phẩm thủ công. Thổ cẩm của người H’Mông, người Lự ở đây có thể bán hay dùng để trao đổi hàng hóa, những tấm lanh của đồng bào H’Mông tự tay làm ra rất đẹp và bền.

Chợ Sìn Hồ thu hút du khách nhất bởi chợ bán rất nhiều hoa lan, từ địa lan, lan đuôi công, lan trắng, lan tím, đến lan rừng. Phong lan, địa lan 5 mầu bán chỉ 100.000 đồng/nhành. Những giò hoa lan mang sắc hương miền sơn cước có sức sống, dáng vẻ phô diễn vẻ đẹp rực rỡ đến khác lạ khiến Sìn Hồ như một rừng hoa lan. Những chợ phiên trong sương ở Sìn Hồ đang góp phần tạo lên một Lai Châu kỳ vĩ và nguyên sơ.

Một phiên chợ độc đáo khác đó là phiên chợ “sừng” ở xã biên giới Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, cách thành phố Lai Châu khoảng 105km. Phiên chợ này họp vào các ngày con có sừng (ngày Sửu, ngày Mùi) trong tháng, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Dao, Hà Nhì. Ngoài ra chợ phiên Sì Lở Lầu được đặt nơi 12 tầng dốc, người Phong Thổ hay có câu ví: Đã leo lên 12 tầng dốc mà không đi chợ thì chưa phải đến Sì Lở Lầu. Sì Lở Lầu là tiếng Quan Hỏa, dịch nghĩa ra là 12 tầng dốc.

Đến Sì Lở Lầu, du khách không thể bỏ qua những gùi hàng bày bán nông sản đặc trưng của núi rừng như hồi, mật ong, măng rừng, thảo quả, mắc khén, táo mèo, các đồ trang sức của đồng bào như vòng tay, vòng cổ, thắt lưng, khuyên tai, xà tích bằng bạc, được làm thủ công vô cùng tinh xảo, đẹp mắt. Bên cạnh đó du khách được thưởng thức các món ẩm thực đặc sản của người dân bản địa như: Rượu thóc, dưa khô, phở thái tay, đậu phụ… 

 Bà con dân tộc Mông mang sản vật bày bán tại chợ phiên Sìn Hồ, thành phố Lai Châu.

Những năm gần đây, nhận thấy giá trị văn hóa truyền thống đang gìn giữ ở các phiên chợ, ngành văn hóa Lai Châu và chính quyền địa phương đã nâng cấp cơ sở kỹ thuật các chợ phiên, xây dựng trở thành những điểm đến để giới thiệu với du khách về đời sống, văn hóa đồng bào các dân tộc địa phương. Vào tháng 1/2022, UBND huyện Phong Thổ đầu tư kinh phí 2 tỷ đồng nâng cấp chợ Sì Lở Lầu và đưa vào sử dụng, thu hút du khách, qua đó thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển.

Tỉnh Lai Châu cũng đề ra các chủ trương, chính sách, tạo thuận lợi về cơ chế, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tạo cơ hội để địa phương phát huy tiềm năng lợi thế từ các phiên chợ vùng cao, qua đó giúp người dân gìn giữ văn hóa truyền thống, tạo thuận lợi để giao lưu, phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn, giúp nâng cao đời sống người dân các xã vùng biên. Mặt khác Tỉnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho người dân, để tự họ là những thuyết minh viên du lịch thân thiện, tự giác quảng bá về hình ảnh vùng đất và con người Lai Châu tới du khách.

N Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực