Độc đáo nghề làm giấy bản của người Nùng An

Thứ hai, 20/06/2022 10:59
(ĐCSVN) - Người Nùng cư trú tại các tỉnh miền núi phía bắc nước ta từ xa xưa, đời sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Trải qua bao đời nghề làm giấy bản của họ vẫn được lưu truyền.

Nghề làm giấy bản có từ lâu đời. Giấy bản vừa có mùi thơm đặc trưng của núi rừng, lại rất dai, mỏng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh của đồng bào dân tộc trong vùng. Công dụng của sản phẩm giấy bản từ xưa dùng để ghi chép, trang trí nhà, đậy thức ăn, làm tiền vàng mã. Cuộc sống hiện đại ngày nay vẫn dùng vào việc làm vàng mã và bọc thức ăn, lau chùi đồ dùng rất tốt.

Nguyên liệu chính để làm giấy bản là cây giấy dó (tiếng Nùng gọi là cây mạy sla). Việc làm giấy bản không gây ô nhiễm môi trường, bởi sau khi chặt cây mạy sla, tước lấy vỏ, tận thu thân cây làm chất đốt, lá cây dùng để chăn nuôi trâu, bò.

Để làm được sản phẩm giấy bản cần trải qua nhiều công đoạn thủ công hoàn toàn rất cầu kì. Vỏ cây sau khi lấy về sẽ phải tước vỏ đen một lần nữa, đây cũng là công đoạn mất nhiều công và thời gian nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần mẫn, bởi tước được phần vỏ đen càng sạch thì giấy làm ra sẽ càng trắng.

Phần vỏ tước xong được đem ngâm vôi trong khoảng thời gian 2-3 ngày cho nhừ, rồi lại đem đi luộc khoảng 3 tiếng, sau đó đem ngâm vào nước lã trong 2 ngày. Sau đó, phần vỏ sẽ được đập thật nát xuống bể múc. Khi khuấy đều, sẽ có một loại nước màu vàng nhạt, đặc sánh. Cuối cùng, đem khuôn xuống lắc đều và nhấc lên dứt khoát để nước trải đều trên khuôn, sẽ có một sản phẩm giấy ở dạng ướt, rồi đem ép vắt nước để sản phẩm giấy được đều. Giấy ép xong được rải lên 2 mặt lò đun lửa nhỏ trong khoảng 1 tiếng giấy sẽ khô.

Nghề làm giấy bản được người Nùng An bảo tồn và phát huy đem lại thu nhập ổn định. Nhiều hộ gia đình nhờ làm nghề giấy bản đã mua sắm được nhiều trang thiết bị, máy móc, công cụ sản xuất phục vụ đời sống, xóa được nghèo.

Người dân tại xã Quốc Dân (Quảng Hòa – Cao Bằng) đang làm giấy bản. 


Phần bột giấy từng lớp mỏng được lắng trên khuôn, sau khi đủ độ giầy nhất định sẽ được đem lên. 


Công đoạn ép giấy cho chắc chắn và khô bớt đi. 


Công đoạn phơi giấy lên tường đợi khô sẽ được tách ra và xếp thành từng tệp để đem đi bán ngày chợ phiên. 


Chợ phiên đặc biệt là ngày lễ tết truyền thống giấy bản được bán rất đắt hàng. Hàng năm đem lại thu nhập cho bà con lúc nông nhàn khoảng 20 triệu đồng. 

NK

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực