Hà Nội, miền di sản

Thứ bảy, 25/06/2022 19:21
(ĐCSVN) - Hà Nội quyến rũ hơn so với những thành phố khác trên thế giới chính là hệ thống các di sản văn hóa đồ sộ, hàm chứa những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, đậm tính nhân văn đang ẩn chứa và phô diễn qua các lễ hội truyền thống.

Theo số liệu thống kê, Hà Nội có hơn 1.000 lễ hội với các chủ đề, quy mô và hình thức khác nhau. Các lễ hội truyền thống mang dấu ấn văn hiến ngàn năm của thủ đô, thể hiện rõ nét tinh thần, đặc trưng nguồn gốc văn hóa, lịch sử cũng như những khát vọng của người Việt và của người Thăng Long xưa.

Trong những lễ hội lớn ở Hà Nội phải kể đến như hội chùa Hương, hội gò Đống Đa, hội Gióng… thành phố còn có các lễ hội ở nhiều vùng địa phương được tổ chức rải rác trong năm. Các lễ hội đều mang những sắc màu văn hóa riêng biệt, nội dung gắn liền với các nhân vật lịch sử có công lao với đất nước, với làng xã hay có công lập làng, giữ làng trong quá trình quần cư của người Việt xưa đến nay. 

Một trong số đó, tiêu biểu là Hội Gióng, với truyền thuyết Thánh Gióng người làng Phù Đổng đã có công đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước. Lễ hội dân gian đặc săc này được nhân dân - những chủ thể văn hoá đã bảo tồn, lưu truyền qua ngàn năm lịch sử với biết bao thế hệ gìn giữ bảo tồn. Hội Gióng luôn có sức cuốn hút mạnh mẽ thể hiện qua các sinh hoạt văn hóa và ý nghĩa lớn lao của lễ hội dân gian, được tổ chức với những thời điểm, địa danh nhất định.

Hội Gióng được tổ chức ở nhiều nơi của Hà Nội, nhưng tiêu biểu là hội Gióng ở đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (ngày 6 – 8 tháng Giêng Âm lịch) và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm (từ ngày 7 – 9/4 Âm lịch hàng năm). Hội Gióng được dân gian suy tôn là một trong bốn vị “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt, được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ý nghĩa đẹp đẽ nhất của hội Gióng là tinh thần giáo dục lòng yêu nước, truyền thống võ công, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

 Nghi thức mở cờ trong Hội Gióng (Gia Lâm - Hà Nội).

Một lễ hội nổi bật khác là lễ hội Cổ Loa diễn ra từ ngày mồng 6 đến 16 tháng Giêng âm lịch tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương - người có công xây dựng nhà nước Âu Lạc – một dấu ấn đậm nét về lịch sử của đất nước trong những ngày đầu của thời kỳ bình minh dựng nước, giữ nước.

Một lễ hội dân gian khác, phản ánh lịch sử vùng đất Thăng Long – Hà Nôi, đó là lễ hội Thập Tam Trại nhằm tưởng nhớ tới Nguyễn Quý Công, người làng Lệ Mật (Gia Lâm) đã có công khai khẩn vùng đất hoang phía Tây kinh thành Thăng Long, tạo nên vùng nông nghiệp trù phú ven đô với địa danh Thập Tam Trại. Lễ hội được tổ chức ngày 21/1 âm lịch hàng năm.

Lễ hội chùa Hương khai hội vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm - một lễ hội tôn giáo độc đáo với sự giao thoa giữa Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và một phần tín ngưỡng dân gian.

Hội gò Đống Đa một trong những lễ hội lớn và thú vị nhất ở Thủ đô Hà Nội được nhân dân tổ chức hằng năm vào ngày mùng 5 Tết tại gò Đống Đa, quận Đống Đa (Hà Nội). Lễ hội phản ánh sự thành kính của các tầng lớp nhân dân hướng về vua Quang Trung – Nguyễn Huệ, người anh hùng kiệt xuất của dân tộc đã đánh tan giặc ngoại xâm nhà Thanh, bảo vệ đất nước.

Trong không gian của lễ hội cổ truyền, in đậm sắc mầu dân gian, có sự hiện diện của quần thể những lễ hội dân gian nằm ở nhiều vùng quê, các làng xã thuộc các huyện ngoại thành của Hà Nội. Một trong số đó là hội làng Yên Lạc, xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, một nghi lễ dân gian có ý nghĩa tâm linh của nhân dân xã Đồng Lạc, tổ chức đều đặn hằng năm. Lễ hội phản ánh những dấu ấn lịch sử, văn hóa và quá trình quần cư lâu đời của người dân ở vùng đất này. Làng Yên Lạc hiện còn lưu giữ nhiều di vật khảo cổ, hay dấu ấn một làng Việt cổ như: Cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình, đặc biệt là ngôi đình làng – Di tích văn hóa cấp quốc gia được xây dựng từ thế kỷ 17, thờ vị anh hùng Chu Đạt, nguời đứng lên khởi nghĩa dưới cờ của Hai Bà Trưng chống lại sự xâm lăng của nhà Hán.

 Rước kiệu truyền thống hội làng Yên Lạc (Chương Mỹ, Hà Nội).

Cùng không gian những lễ hội lâu đời, đằng sau những cổng làng xưa cũ, những lễ hội truyền thống đã hòa quyện tạo nên bản sắc văn hoá ở mỗi ngôi làng Việt, đó cũng là những giá trị tốt đẹp có ý nghĩa kết nối cộng đồng, trở thành bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Hà Nội.

11 thế kỷ qua, các di sản lịch sử, văn hóa đất Thăng Long – Hà Nội không chỉ hồi sinh sau những biến động lịch sử mà còn phát triển trong thời kỳ hội nhập. Hà Nội đã sở hữu nhiều danh hiệu do UNESCO trao tặng, nhiều di tích cấp quốc gia như: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long -  Di sản Văn hóa thế giới năm 2010; 82 bia Tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được vinh danh Di sản tư liệu thế giới; Hội Gióng (ở đền Phù Đổng và đền Sóc), Nghi lễ và trò chơi kéo co (tại Hà Nội và một số địa phương), tín ngưỡng thờ Mẫu được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, còn Ca trù có tên trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Cùng đó là 13 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt; hơn 1.000 di tích cấp quốc gia; 10 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; hệ thống các bảo tàng quốc gia và thành phố…

Những giá trị trân quý này cần được gìn giữ, lưu truyền và phát huy để Lễ hội truyền thống luôn là cây cầu nối kết nối quá khứ với hiện tại. Đặc biệt để trở thành một nền tảng văn hóa truyền thống khẳng định bản sắc của Hà Nội, nguồn lực quan trọng để khai thác và phát triển các sản phẩm văn hoá, du lịch trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Bài, ảnh: N Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực