|
Cổng tam quan theo phong cách kiến trúc truyền thống tại đình làng Lệ Mật (Gia Lâm – Hà Nội). |
Một trong số đó là cổng làng Cống An (Cống Yên), phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình (bị lấp đường vào từ năm 1955, hiện chỉ còn một cổng nhỏ). Công trình kiến trúc cổ này phản ánh một thời kỳ lịch sử của vùng đất Thăng Long với dấu ấn thập tam trại, gắn với truyền thuyết dựng làng của dũng sĩ họ Hoàng và nhân dân làng Lệ Mật.
Theo tài liệu về lịch sử Thăng Long - Hà Nội, trại Cống Yên một trong 13 trại. Tuy cũng là trại trong Thập tam trại do ông Hoàng Phúc Trung - người con trai làng Lệ Mật có công đánh nhau với Thuỷ quái trên sông Thiên Đức, mang được thi hài công chúa con vua Lý về, đã không cần danh vọng mà chỉ xin với vua cho phép đưa dân Lệ Mật sang cõi đất phía Tây Thăng Long để khai khẩn.
Nhà vua đã ưng thuận và nhân dân Lệ Mật sang tây thành Thăng Long lập nên 13 trại gồm: Cống Vị, Giảng Võ, Liễu Giai, Vạn Phúc, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Vĩnh Phúc, Thủ Lệ, Đại An, Cống An, Kim Mã, Ngọc Khánh, Vạn Bảo. Những trại này, lúc đầu chỉ do một vài dòng họ khai khẩn, sau đông lên lập thành làng xã. Tuy vậy giữa nơi ở mới và quê cũ vẫn có một sợi dây huyết thống liên quan.
Tuy cùng chung thờ người khai sáng ra đất trại, nhưng tại mỗi làng, lại có thờ phụng thành hoàng riêng. Tại trại Cống Yên từ năm Trùng Hưng đời Trần đã được vua Trần chuẩn tấu, sắc phong vị tướng có công đánh trận Bạch Đằng là Quảng Hồng linh ứng đại vương làm Thượng đẳng phúc thần Thành hoàng làng. Hàng năm, giỗ thành hoàng vào ngày 13 tháng Giêng.
Hiện nay làng Cống An dù thờ thành hoàng là Quảng Hồng đại vương hàng năm đến hội làng Lệ Mật, làng Cống Yên vẫn cùng các làng khác trong 13 trại về làng Lệ Mật làm lễ.
Tác giả Văn Hậu cũng đã viết “Hội Cống Yên” in trong “Lễ hội Thăng Long” có câu ca dao về Tổng nội.
"Tổng Nội chín ngại chớ nhầm/ Liễu Giai, Giảng Võ, lại gần Đại An/ Thủ Lệ, Cống Vị là năm/ Hữu Tiệp, Vạn Bảo, Cống An, Ngọc Hà”.
|
Nhân dân phường Thành Công, quận Ba Đình rước kiệu về dự hội làng Lệ Mật (Gia Lâm - Hà Nội). |
Theo tài liệu, ở thế kỷ XV Hà Nội có 2 huyện 36 phường đến thế kỷ XIX, số phường đã tăng lên thành phường nghề, phường buôn và phường Nông nghiệp - Những cư dân ở đây theo nếp sống “trâu ta ăn cỏ đồng ta” làng nào, phường nào cũng có cổng và rào luỹ phân cách với nhau. Chỉ đến năm 1888, Hà Nội bị đô hộ bởi thực dân Pháp, công cuộc biến cải làng thành phố đã xảy ra ở hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Sau năm 1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, công cuộc xây dựng công nghiệp nặng, đã xoá bỏ nhiều làng xưa xóm cũ. Thành phố chuyển mình theo cơn lốc đô thị hoá, sự biến cải đó cũng là tất yếu trong tiến trình phát triển xã hội.
Ngôi làng hiện đại thời nay đã phá tung cái cổng để cho xe ô tô, xe công nông đi lại dễ dàng hơn. Thay vào cái cổng làng ý nghĩa, đẹp đẽ thì đôi khi cổng làng chỉ là cái barie bằng cây tre chắn ngang để thu tiền lộ phí. Từ ý nghĩa văn hoá, giáo dục và quan niệm về cổng làng đã thay thế bằng quan niệm thực dụng, đơn giản là thuận tiện.
Cổng làng Hà Nội xưa và nay
Thực tế tại 8 quận 5 huyện của Hà Nội, thu lượm được hình ảnh 109 cổng làng và những câu chuyện văn hoá làng qua chuyện kể dân gian, hội làng và câu chữ nơi cổng làng. Tại 12 quận huyện, nội thành của Hà Nội còn những cổng làng: Quận Hoàn Kiếm có 2 cổng làng, quận Ba Đình (4 cổng làng), quận Cầu Giấy (9 cổng làng), huyện Đông Anh (22 cổng làng), quận Đống Đa (1 cổng làng), huyên Gia Lâm (9 cổng làng), quận Hoàng Mai (7 cổng làng), quận Long Biên (6 cổng làng), huyện Sóc Sơn (2 cổng làng), quận Tây Hồ (10 cổng làng), huyện Thanh Trì (17 cổng làng), quận Thanh Xuân (2 cổng làng), huyện Từ Liêm (18 cổng làng).
Ngoài ra Hà Nội còn nhiều cổng làng cổ có giá trị lịch sử, văn hoá khác. Điển hình như cổng làng Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) hiện còn lưu giữ dấu tích về ngôi làng cổ gắn với hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình - biểu tượng chung của làng quê vùng Bắc Bộ.
Một cổng khác đó là cổng làng Phúc Lý, huyện Từ Liêm, Hà Nội xây dựng theo kiến trúc cổng tam quan. Cổng làng Đại Yên (phường Đội Cấn, quận Ba Đình) xây năm 1924, có tên chữ Hán là Đại An Môn, hiện đã xuống cấp, dân đã lấn chỗ để ở và buôn bán. Cổng làng Thành Công (phường Thành Công, quận Ba Đình) xây dựng năm 1990, theo kiến trúc truyền thống làng Việt. Cổng làng Trung Nha (Phường Nghĩa đô, quận Cầu Giấy), cổng làng có tên chữ Hán là Trung Nha Môn, được xây dựng 2 tầng, trên là một lầu gác, mở cửa tròn tầng dưới rộng, vòm cong tạo thành một gian nhà. Bên cổng là cây đa cổ thụ cành lá che trùm nóc cổng. Làng Trung Nha xa xưa từng là làng nghề làm giấy sắc – loại giấy khổ lớn, dày tờ nhuộm vàng, mặt giấy vẽ tứ linh và rồng mây để triều đình dùng viết bằng sắc.
Cổng Vạn Long (Vạn Long Môn) tại đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy với kiến trúc một cổng nhỏ, còn lưu đôi câu đối cổ. Cổng làng Phúc Lý, huyện Từ Liêm, Hà Nội xây dựng theo kiến trúc cổng tam quan. Cổng làng Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội xây năm 1932 với hoành phi và câu đối vinh danh, ca tụng lịch sử làng.
|
Cổng tiềnlàng Yên Lạc, thôn Đồng Lạc (Chương Mỹ, Hà Nội)xây dựng năm 1942. Hiện bên cổngcòn lưu câu đối do quan Thượng thư Bùi Bằng Đoàn tặng làng. |
Cổng làng phố Hàng Ngang, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm (hiện không còn), theo tư liệu cổng phố Hàng Ngang có tên chữ Hán là Việt Đông. Theo sách đường phố Hà Nội” của tác giả Nguyễn Vinh Phúc và Trần Huy Bá, phố Hàng Ngang dài 152 m thuộc đất phường Diên Hựu, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ…
Khi tìm hiểu về những cổng làng xưa và nay của Hà Hội, tôi gặp một dáng hình dân tộc còn lại ở đâu đó bên vết tích của thời gian và cũng giật mình khi nghe những câu hỏi: “Ông chụp ảnh cái cổng cũ làm gì, nó đẹp đẽ gì đâu, cứ đi thêm vài trăm mét nữa có dãy nhà biệt thự xây to, chụp ảnh ở đó đẹp lắm”. Câu hỏi của lớp trẻ hiện nay cứ như một vết đau, nhưng đến khi hỏi kỹ thì ra họ đều là người không có quê hương. Mẹ cha họ bỏ quê lên Hà Thành mưu sinh, rồi sinh con đẻ cái ở đất Hà Thành, với vùng quê mới, họ là KT2, KT3 nhưng họ có tiền, xe máy chạy ào ào qua cái cổng làng mà không hề biết nơi tá túc của họ có truyền thống, có văn hiến ra sao.
Sự xáo trộn từ nền kinh tế thị trường khiến người ta quên đi những nét văn hoá gốc trong mỗi làng. Hương ước, Lệ làng chỉ là những cái ràng buộc cần xóa bỏ, trong khi chính lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng ta là Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở:
“Hương ước là những khoán ước trong làng. Người ta quy định với nhau không được để trâu bò phá lúa, gà qué ăn mạ ăn rau, không được trộm cắp của nhau, đấy là những phong tục hay của nông thôn ta trước đây. Từ sau cách mạng, các chú đem xoá bỏ cả thế là không đúng. Cách mạng chỉ xoá bỏ cái xấu, cái dở và giữ lại cái tốt cái hay” [1].
Rất mừng trên cơ sở Nghị quyết 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII và nghị quyết qua các thời kỳ, đã tạo lên sự đổi thay trong tư duy cộng đồng, tại nhiều địa phương cả nước các quy hoạch bảo tồn, xây dựng môi trường văn hoá, xây dựng nông thôn mới đã thực hiện lưu giữ, bảo tồn các cổng làng. Nhiều ngôi làng coi làng cổ phải có cổng làng là một tiêu chí văn hoá khi xét tặng danh hiệu Làng Văn hoá.
Đi qua các khu vực Thanh Trì, Đại Áng, Nguyệt Áng, Vĩnh Trung, Ích Vịnh, Lạc Thị... đều gặp những cổng làng làm mới hoặc tu sửa lại cổng cũ. Đi về Từ Liêm qua Phúc Lý, Liên Mạc, Đống Ba cũng gặp những cổng làng mới xây, đủ cả đại tự và câu đối cổ xưa. Tiêu biểu có những làng đã duy trì những công trình kiến trúc cổ, trong đó có cổng làng như làng cổ Đường Lâm để giúp phát triển các sản phẩm du lịch, thăm quan làng cổ tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến địa phương.
Nhiều nơi khác đã xây mới cổng làng trên cơ sở bảo tồn những nét văn hóa cổ xưa. Những cổng mới bây giờ thường theo mẫu riêng của từng nơi nhưng phần lớn đều cố gắng giữ lại những nét cổ kính như: Đại tự ghi trên cổng, câu đối cũ và mới. Khi đi đến những nơi đó, thấy bóng cổng làng là cảm thấy ấm lòng, thấy được sự hoà hợp, lan toả giữa cảnh vật và con người.
Tìm về cổng làng, là tìm về nơi ông cha ta đã đã gửi gắm ước nguyện đến chúng ta, cũng là tìm về hồn làng, tìm về cái thuở ban đầu, để không quên đi nhiều thứ khác.
[1] Sách “Thái Bình năm lần đón Bác”, Ban NCLS Đảng tỉnh Thái Bình, xuất bản 1970.