Đồng bằng sông Cửu Long hiện có trên 220 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số ở 9/13 tỉnh, thành phố. Riêng đồng bào Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số, cư trú tập trung chủ yếu ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang…
Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Cần Thơ Nguyễn Trung Nhân, thời gian qua, các chính sách dân tộc được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện; trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và nhiều chương trình, dự án khác triển khai trong vùng dân tộc đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer.
|
Người Khmer ở ĐBSCL có nền văn hóa phát triển đa dạng gắn liền với những tín ngưỡng mang sắc thái riêng. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ nổi tiếng với nghệ thuật múa như Rămvông, Lămleo, Saravan… Cùng với đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh, đồng bào Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bảo tồn được hệ thống kiến trúc chùa Phật giáo Nam Tông. Đây vừa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng và là nơi lưu giữ, lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên đời sống đồng bào Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế; kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ chưa mang tính hàng hóa; đời sống của đồng bào chưa thực sự đảm bảo và thiếu tính bền vững, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Tiến sĩ Lộc Thị Thủy, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, đối với đồng bào dân tộc Khmer, ngôi chùa là công trình kiến trúc nghệ thuật, là nơi để đồng bào thực hiện nghi lễ của Phật giáo, tổ chức dạy chữ Khmer, tổ chức lễ hội, truyền bá kinh nghiệm sản xuất, đồng thời cũng là nơi gìn giữ và phát huy những văn hóa, giáo dục đào tạo con em của đồng bào nhằm bảo tồn giá trị văn hóa như tiếng nói, chữ viết, hoa văn kiến trúc.
|
Lễ báo hiếu của người Khmer. (Ảnh: TT) |
Đồng bào dân tộc Khmer và các sư đã giữ gìn, phát huy tốt các lễ hội văn hóa dân tộc, tôn giáo vào đời sống, tinh thần, thể hiện qua lễ cưới, lễ mừng năm mới (Chôl Chnăm Thmây), lễ giỗ ông bà quá cố (Sene Đônta), lễ mừng được mùa (Ooc Om Boc)... Vì vậy, cần phát huy giá trị văn hóa thành giá trị du lịch từ nét đẹp văn hóa phum, sóc, lễ hội, công trình kiến trúc của đồng bào Khmer giúp tạo sinh kế bền vững cho bà con. Do đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tham mưu cho Trung ương Đảng, Chính phủ, Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các sở, ngành, chính quyền địa phương ở các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long về chính sách phát triển kinh tế văn hóa gắn với du lịch bền vững, chính sách đại đoàn kết dân tộc gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng, kinh tế, văn hóa-xã hội.
Ông Nguyễn Hữu Phúc, Trưởng ban Dân vận huyện Thới Lai (thành phố Cần Thơ) cho rằng nên có sự hỗ trợ của doanh nghiệp và Trường dân tộc nội trú trong việc hướng dẫn, đào tạo nghề, kỹ thuật sản xuất cho con em đồng bào dân tộc Khmer; các doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm cho người nghèo đồng bào Khmer. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ người nghèo trong tiếp cận nguồn vốn vay để các hộ Khmer nghèo tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình, giúp hộ nghèo từng bước thoát nghèo và vươn lên khá giả.
Để phát huy những cơ hội, tiềm năng, thế mạnh, hạn chế những thách thức, các cấp chính quyền cần có các chính sách, cơ chế phù hợp với văn hóa người Khmer để giúp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tư duy, nhận thức về phát triển kinh tế, văn hóa. Từ đó, tạo cơ sở cho cộng đồng người Khmer tự đứng vững trên đôi chân của chính mình, trên chính mảnh đất quê hương, không phụ thuộc quá nhiều vào sự trợ giúp như trước đây.