Hồng Ca - điểm sáng trong giảm nghèo của Yên Bái

Thứ sáu, 14/06/2024 07:56
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Hồng Ca là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Bằng nội lực và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, đến nay xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã chuyển mình, trở thành điểm sáng trong giảm nghèo.

Nhiều năm qua, đồng bào dân tộc Mông ở xã Hồng Ca (Trấn Yên, Yên Bái) luôn chú tâm học hỏi kỹ thuật canh tác nông, lâm nghiệp theo hướng hiện đại, kịp thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu để hình thành nên những vùng nguyên liệu dồi dào, cung cấp cho các nhà máy sản xuất, chế biến nông, lâm sản trong vùng. Từ một xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên, bằng nội lực và sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, đến nay, xã Hồng Ca đã chuyển mình, trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo.

Gia đình bà Sùng Thị Hoa thu hoạch quế.  

Dẫn chúng tôi đi giới thiệu về những đổi thay ở các bản làng, đồng chí Hà Cao Luận, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết: “Trước đây, đời sống người dân rất vất vả, quanh năm suốt tháng chỉ biết lên nương làm rẫy. Không ai nghĩ rằng, ở một xã đặc biệt khó khăn như Hồng Ca giờ đây lại có đến 3 doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất các sản phẩm từ quế để xuất khẩu. Ngoài này là quế, sâu bên trong là măng tre bát độ, là khôi nhung trồng dưới tán rừng, nhờ đó thu nhập của người dân từ nông, lâm sản tăng lên gấp nhiều lần. Để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, hầu hết các con đường trong xã đều được mở rộng và bê tông hóa 100%”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây, Hồng Ca từng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên. Cả xã có hơn 6.300 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 88%. Đây cũng là xã có tỷ lệ hộ nghèo thuộc diện cao nhất huyện Trấn Yên, trình độ dân trí còn thấp, tập quán canh tác lạc hậu, chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu, vươn lên của nhân dân trong xây dựng đời sống mới, đến hết năm 2022, Hồng Ca đã phát triển được hơn 3.500ha quế, 1.400ha măng tre bát độ, 22ha cây dược liệu kết hợp trồng dưới tán rừng, 105ha trồng cây ăn quả có múi... nhờ đó, đời sống đồng bào ngày càng phát triển.

Để có được những thay đổi tích cực đó, bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, phần lớn là đến từ việc thay đổi tư duy của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Năm 1975, tại Hồng Ca diễn ra một cuộc “cách mạng” của bà con người Mông tiến bộ. Gần 100 hộ dân sinh sống trên núi đã “hạ sơn” để xây dựng và phát triển kinh tế. Gia đình bà Sùng Thị Hoa, ở thôn Khuôn Bổ là một trong những hộ đầu tiên rời núi “hạ sơn”, bà Hoa chia sẻ: “Hồi ấy nghèo đói lắm, người Mông chúng tôi du canh du cư, đi rừng kiếm được gì thì ăn nấy, cuộc sống bấp bênh. Rồi một hôm, có cán bộ trên huyện đến kêu gọi bà con xuống núi để xây dựng vùng kinh tế mới. Đầu tiên, mỗi người một ý, cuối cùng bố tôi là một trong những người đầu tiên đưa gia đình rời vùng núi cao về định cư nơi này. Năng suất thu hoạch từ lúa nước cao hơn lúa nương; ở vùng thấp gần suối nên nguồn nước để phục vụ sinh hoạt và canh tác cũng thuận lợi hơn. Nhờ đó, đời sống bà con ngày càng cải thiện”.

Hồng Ca - điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Để giúp cho các hộ nghèo, đặc biệt là đồng bào Mông có việc làm ổn định, xã Hồng Ca đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề mở các lớp đào tạo nghề và lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Hạ tầng cơ sở của xã được đầu tư, đến nay đã mở mới hơn 20km đường vào khu sản xuất, kiên cố hóa hệ thống đường giao thông nông thôn được 54km, đầu tư nâng cấp và xây dựng mới trường học, trạm y tế bảo đảm đủ cơ sở vật chất cho dạy và học cũng như công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trên địa bàn xã, đã thành lập 3 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã, 12 tổ hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm và nâng cao giá trị sản phẩm bán ra thị trường...

Chị Cháng Thị Nhà, Bí thư chi bộ thôn Khuôn Bổ cho biết: “Trước đây, người dân được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cây quế, cây tre, măng bát độ giống để trồng. Nhưng những năm gần đây, với sự nhận thức tiến bộ và làm quen với khoa học kỹ thuật, bà con đã chủ động ươm cây giống để trồng, lợi thế từ kinh tế rừng trồng đã giúp đời sống bà con nâng lên, nhà nào cũng có xe máy để đi, nhiều nhà đã mua được máy móc, công cụ hỗ trợ nông nghiệp, xây được nhà khang trang... Bà con ai cũng cảm ơn Đảng, Nhà nước đã giúp cho nhân dân có cuộc sống như ngày hôm nay”.

Đồng chí Hà Cao Luận cho biết thêm: “Hằng năm, xã tổ chức điều tra và xác định nguyên nhân đối với từng hộ thuộc diện nghèo để có kế hoạch cụ thể, từ đó chúng tôi phân công rõ người, rõ việc, giao cho các tổ chức chính trị-xã hội mỗi năm giúp đỡ từ 3 đến 5 hộ, huy động các nguồn lực hỗ trợ đầu tư của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, để giúp đỡ cho hộ vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, các hộ nghèo đã nhận thức và quyết tâm vươn lên thoát nghèo, giảm nghèo bền vững”.

Giờ đây, việc người dân các nơi khác đến tham quan, học hỏi cách làm kinh tế của đồng bào Mông ở Hồng Ca không còn là chuyện lạ nữa. Bởi lẽ, những gì họ làm được xứng đáng gọi là đột phá, là tiên phong cho phong trào thay đổi tư duy về cách làm kinh tế, cách xây dựng đời sống văn hóa. Họ là những người đang mang đến cho đồng bào người Mông nơi khác nguồn cảm hứng thay đổi bản thân, thay đổi để cùng nhau đoàn kết và phát triển./.

Hồng Thịnh Trang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực