Phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống ở Lâm Bình

Thứ sáu, 24/06/2022 16:14
(ĐCSVN) – Những năm qua, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đã chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, góp phần đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Lâm Bình là huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang. Với 08 đơn vị hành chính cấp xã, 70 thôn, bản, Lâm Bình có dân số trên 34.000 người, dân tộc thiểu số chiếm trên 95%, trong đó: Dân tộc Tày chiếm 62%, Dao trên 25%, Mông 6%, Pà Thẻn 2%, còn lại là các dân tộc khác. Đặc biệt, duy nhất ở Việt Nam, tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình có tộc Người Thủy sinh sống; tộc Người Thủy có tiếng nói, trang phục, văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán, nguồn gốc rất độc đáo. Các dân tộc thiểu số ở huyện Lâm Bình về cơ bản vẫn còn giữ nguyên những nét văn hóa truyền thống, từ tiếng nói, chữ viết đến trang phục, tín ngưỡng dân gian, các làn điệu dân ca, trò chơi, ẩm thực, kiến trúc nhà ở, các lễ hội truyền thống…

Du khách trải nghiệm nét văn hóa bản địa tại Lâm Bình. (Ảnh: HNTV)

Lâm Bình có độ che phủ rừng đạt trên 75%; thảm rừng nhiệt đới xanh quanh năm, hệ động vật, thực vật đa dạng, phong phú… Đến Lâm Bình là đến với vùng đất sơn thủy hữu tình, trập trùng những dãy núi kỳ vĩ, rừng đại ngàn xanh thẳm, nơi có hàng nghìn cây gỗ quý nghìn năm tuổi; du khách sẽ được trải nghiệm lòng hồ sinh thái bằng thuyền du lịch hoặc thuyền kayak để cảm nhận mênh mang của sóng nước, mây trời; được chạm tay vào cọc Vài (Cọc buộc trâu trời) - biểu tượng của Lâm Bình cầu may mắn, an lành; được thả mình vào dòng thác Nặm Me, thác Khuổi Nhi, thác Khuổi Súng...

Ngoài các hang động, thác nước, đến với huyện Lâm Bình, du khách còn được trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số, mỗi tộc người có những phong tục, tập quán khác nhau, tạo nên sự độc đáo và đa dạng.

Những năm gần đây, huyện Lâm Bình đã cho khôi phục các lễ hội truyền thống như Lễ hội Lồng tông xã Thượng Lâm, Lăng Can; Lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn xã Hồng Quang. Các lễ hội của huyện Lâm Bình mang đậm màu sắc dân gian độc đáo đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh vào những dịp đầu xuân.

Xôi ngũ sắc. (Ảnh: Huyện Lâm Bình) 

Không chỉ vậy, đến với Lâm Bình, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sắc, với bánh trứng kiến, xôi ngũ sắc (đã lọt tốp 100 món ăn độc đáo, đặc sắc nhất Việt Nam), thắng cố, mèn mén, thịt chua, cá khuy suối lam ống nứa, bún cổ truyền, rêu suối, các loại rau rừng vừa là món ngon, đồng thời là những vị thuốc quý… cùng hương vị thơm, cay nồng của rượu ngô, rượu thuốc men lá ấm đượm tình người…

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, Lâm Bình đã tuyên truyền đến nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Khôi phục, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của các DTTS thông qua việc tổ chức, khôi phục những lễ hội truyền thống; bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; bảo tồn, khôi phục những làn điệu dân ca của địa phương, gắn với phát triển du lịch cộng đồng homestay, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện và cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển du lịch. Qua đó, tiếp tục khai thác và bảo tồn những tiềm năng du lịch của huyện, từng bước nâng cao đời sống của người dân, tạo ra những sản phẩm mới về du lịch của huyện Lâm Bình, góp phần đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

 Homestay tại Lâm Bình. (Ảnh: HK)

Phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có, huyện Lâm Bình đã và đang xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm du lịch gắn với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống như: Mô hình du lịch cộng đồng (homestay), thành lập các Câu lạc bộ: hát Then (dân tộc Tày), hát Páo dung (dân tộc Dao), khôi phục các làng dệt thổ cẩm, lễ hội truyền thống của các dân tộc. Trong đó, mô hình du lịch cộng đồng Homestay là loại hình du lịch được chú trọng phát triển để tạo nguồn thu nhập cho người dân và bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Những năm gần đây, nhằm phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn, huyện Lâm Bình đã tiến hành phục dựng nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày, duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống như Lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày, Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; duy trì và bảo tồn các làn điệu dân ca, trang phục, ẩm thực, các di tích, danh lam, thắng cảnh. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực của địa phương phục vụ phát triển du lịch.

Từ cuối năm 2016, huyện Lâm Bình triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (Homestay) đối với 15 hộ trên địa bàn các xã (Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can). Theo đó, các tổ công tác được thành lập. Các thành viên của tổ được phân công nhiệm vụ phụ trách từng hộ, trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ các hộ thực hiện việc xây dựng mô hình du lịch; tổ chức cho các hộ dân tham quan, học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng tại các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên. Đặc biệt, với mô hình xây dựng làng văn hóa gắn với du lịch tại thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm; thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can và phục dựng, bảo tồn văn hóa truyền thống, nghi lễ, nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn đã thu hút khách du lịch đến với Lâm Bình ngày một đông.

Với việc huy động các nguồn lực, cụ thể hóa các giải pháp nhằm phát triển du lịch, Lâm Bình đang ngày càng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Trung bình mỗi năm, tại Lâm Bình đều đón trên 100.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Cũng nhờ du lịch mà hiện nay, đời sống của người dân trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện, nơi đây cũng là điểm đến của các nhà đầu tư.

Để đạt được mục tiêu thu hút trên 132.000 lượt khách du lịch trong năm 2022, từ nay đến cuối năm, huyện Lâm Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch. Tăng cường liên kết với các công ty lữ hành xây dựng các tour, tuyến, đa dạng hóa các loại hình du lịch. Xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang bản sắc văn hóa các dân tộc. Cùng với đó, duy trì, nâng cao chất lượng đón tiếp, cung cấp thông tin cho du khách. Đảm bảo các điều kiện về nhà hàng, cơ sở lưu trú nhằm phục vụ tốt nhất và thu hút ngày càng nhiều hơn nữa du khách đến với Lâm Bình.

TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực