Phát triển du lịch với thâm canh bí xanh thơm ở Ba Bể

Thứ ba, 14/11/2023 07:56
(ĐCSVN) – Cây bí xanh thơm đang góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại một số xã của huyện Ba Bể, từ hướng phát triển kinh tế này, những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn tập trung xây dựng các vùng chuyên canh trồng bí xanh thơm, kết hợp nhiều giải pháp xúc tiến du lịch, giúp người trồng bí xanh tiêu thụ sản phẩm, tạo nguồn thu nhập ổn định với người trồng.

Với sự sáng tạo của người dân và doanh nghiệp, nhiều sản phẩm mới từ những vườn bí xanh đang góp phần tạo hướng đi mới cho loại cây trồng đặc sản ở huyện Ba Bể. Diện tích canh tác bí xanh ở đây có khoảng 200ha, tiềm năng phát triển loại cây trồng này đang còn rất lớn, đồng thời cần sự hỗ trợ liên kết trong quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Bí xanh thơm Ba Bể - giống cây trồng có hương thơm đặc trưng đang trở thành loại cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nhiều xã của huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Kết hợp hướng phát triển kinh tế này, tỉnh tỉnh Bắc Kạn đã kết nối xúc tiến tiêu thụ bí xanh gắn kết với các hoạt động du lịch, qua đó giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bắc Kạn.

Bí xanh thơm thâm canh cùng các loại cây lương thực chủ lực, được người dân huyện Ba Bể trồng tập trung ở các xã Địa Linh, Yến Dương, Chu Hương,Thượng Giáo, Hà Hiệu, Mỹ Phương... Với giá trị sản xuất đạt trên 200 triệu/ha, cây bí xanh thơm đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây lúa và các cây trồng ngắn ngày khác.

Từ 2017 đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại tại Hà Nội và các tỉnh thành khác. Năm 2022, xúc tiến thương mại được tổ chức ngay tại các vùng sản xuất. Năm 2023, được gắn kết với quảng bá phát triển du lịch của Tỉnh. Đây là những phương thức mới giúp quảng bá, mở rộng thị thường tiêu thụ sản phẩm cho người trồng.

Ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thông qua hoạt động trong Tuần văn hóa - Du lịch Bắc Kạn tổ chức hằng năm gắn với trải nghiệm bí xanh thơm, tỉnh Bắc Kạn mong muốn kết hợp nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tạo nên chuỗi hoạt động nổi bật, qua đó giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của Tỉnh, quảng bá tiềm năng du lịch, thu hút đầu tư và khởi động mùa du lịch Bắc Kạn năm 2023.

Từ giá trị thực tế từ canh tác bí xanh cao gấp 10 lần so với trồng lúa trên một đơn vị diện tích, để phát huy lợi thế này, các ngành, địa phương ở Bắc Kạn đang tích cực mở rộng diện tích canh tác, không chỉ dừng lại ở diện tích 200ha mà còn định hướng mở rộng diện tích canh tác lên hàng nghìn ha. 

 Du khách thăm quan vườn bí xanh thơm huyện Ba Bể.

Ba Bể còn được biết đến là địa phương có thế mạnh về trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây bí xanh thơm. Theo những chủ vườn ở đây cho biết, bí xanh có hai loại - bí phấn và bí xanh, có chung đặc điểm là tất cả từ thân, lá, hoa, quả đều có mùi thơm. Khi chế biến có độ dẻo, thơm tự nhiên hấp dẫn. Đây là sản phẩm nông sản sạch được người tiêu dùng ưa thích, được nhìn nhận là loại cây trồng giàu tiềm năng, phù hợp xu thế người tiêu dùng hiện nay.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ quả bí xanh, nhiều sản phẩm khác được người dân các xã đưa ra thị thường như chè, kem, mứt, trà khô bí xanh... Bên cạnh việc canh tác nông nghiệp, những vườn bí xanh được xây dựng trở thành các điểm đến thu hút du khách tới trải nghiệm, qua đó giới thiệu về đời sống, văn hóa người dân ở huyện Ba Bể.

Tại các vườn bí xanh tại xã Địa Linh là những điểm du lịch sinh thái, tại đây du khách có thể trải nghiệm thu hoạch, chụp ảnh cùng những cánh đồng bí xanh tươi tốt và thưởng thức các sản phẩm làm từ bí...

Để giúp bà con tiêu thụ bí xanh thơm thuận lợi, huyện Ba Bể đã triển khai nhiều chính sách và giải pháp cụ thể để phát triển cây bí xanh thơm theo hướng sản xuất hàng hóa. Với giá trị sản xuất đạt trên 200 triệu/ha, so cây lúa và các cây trồng ngắn ngày khác, cây bí xanh thơm đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Đặc biệt, thông qua sự hỗ trợ của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 của Bộ Khoa học và Công nghệ, bí xanh thơm Bắc Kạn đang được tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa lý.

Tỉnh Bắc Kạn cũng tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại bí xanh thơm. Trong đó phối hợp tổ chức sự kiện xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và các sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm tỉnh Bắc Kạn; đưa hoạt động trải nghiệm vùng sản xuất bí xanh thơm thôn Bản Váng, xã Địa Linh để quảng bá hình ảnh của địa phương; tạo điều kiện kết nối các hợp tác xã, doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con trồng bí xanh. Sự quan tâm hỗ trợ đồng hành của huyện Ba Bể và tỉnh Bắc Kạn là nền tảng để sản phẩm bí xanh tiếp tục vươn xa và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Thanh Bình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực