|
Ở Thanh Sơn, chủ yếu là dân tộc Mường sinh sống |
Hiện nay mô hình du lịch cộng đồng ở huyện Thanh Sơn đang có xu hướng phát triển, nhiều bản làng vùng cao có những cảnh đẹp, có những nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc, hình ảnh cọn nước, nhà sàn truyền thống gắn liền với không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Mường tại các hộ dân được lựa chọn đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.
Hình thành các tuyến du lịch trải nghiệm làng quê nông thôn mới gắn với giữ gìn văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian. Đặc biệt từ sau thời gian triển khai, đã bước đầu thu hút trên 3.000 khách đến thăm quan, nhiều đoàn nhiếp ảnh đến sáng tác. Bước đầu đã để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc đẹp cho du khách.
Hiện nay trên địa bàn huyện Thanh Sơn đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại xã Khả Cửu gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Ngoài ra còn có một số nơi cũng thu hút khách đến tìm hiểu phong tục, tập quán đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao như: Khu Xuân Thắng xã Cự Thắng; Bản Chen, Chự, Hồ xã Yên Sơn; Bản Sinh Tàn xã Thượng Cửu. Các điểm dừng chân trải nghiệm qua đường như: Khu đồi chè xã Địch Quả, bãi hoa bờ Sông Đà xã Lương Nha...
|
Nơi đây còn bảo tồn rất nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Mường |
Với điều kiện địa lý huyện Thanh Sơn tiếp giáp và giao thoa văn hóa với các vùng lân cận như văn hóa người Mường Hòa Bình, văn hóa người Thái Sơn La và Nghĩa Lộ, Yên Bái. Đồng thời nơi đây là một trong những chiếc cầu nối giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt - Mường. Nền văn hóa truyền thống của người Mường huyện Thanh Sơn có nhiều sắc thái văn hóa đặc trưng, đan xen và giao thoa rõ nét.
Huyện Thanh Sơn đã và đang triển khai và thực hiện đề án tiếp tục công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021- 2025. Qua thống kê, hiện nay toàn huyện đã thành lập được 128 Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác tại các xã, khu dân cư và trường học; bảo tồn được 634 chiếc chiêng; 123 bộ nhạc cụ khác; 1.268 bộ trang phục; 115 nhà sàn truyền thống trong cộng đồng và nhiều đồ dùng công cụ, lao động, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào Mường; Phục dựng 03 di sản, gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian như diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống, chạm ống, múa sênh tiền, múa trống đu và hát ví, hát rang. Đã bước đầu khôi phục trang phục dân tộc Mường để cán bộ và nhân dân có thói quen mặc trang phục dân tộc trong các dịp lễ, hội.
Bằng sự khéo léo, sáng tạo trong hình thức tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, các câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường không chỉ góp phần lưu giữ những nét đẹp truyền thống của địa phương, mà còn thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển, nâng cao đời sống văn hóa trên các bản làng, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.