Nằm cạnh sông Hậu, vùng đất có nhiều cồn, bãi bồi thuận lợi trồng các loại nguyên liệu là cây bố và lác, sản phẩm chính để làm chiếu. Từ điều kiện tự nhiên, làng Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã hình thành và phát triển nghề dệt chiếu cói tuổi đời cả thế kỷ. Làng nghề từ lâu trở thành một biểu tượng của tỉnh Đồng Tháp, nhờ những nét đặc trưng ở địa phương và qua những tấm chiếu đẹp mê hồn.
Nghề dệt chiếu ở huyện Lấp Vò tập trung chủ yếu ở 2 xã Định An và Định Yên, riêng Định Yên có khoảng 70% hộ dân theo nghề làm chiếu. Sự lưu truyền, kế thừa nghề dệt qua nhiều thế hệ người dân ở đây, đã góp vào không gian làng nghề truyền thống Đồng Tháp những sắc mầu văn hóa lung linh, rực rỡ.
Theo tài liệu, hằng năm người dân ở đây sản xuất ra hàng triệu sản phẩm chiếu có hoa văn rực rỡ, mịn màng, bền chắc đáp ứng nhu cầu thị trường. Chiếu Định Yên được bán ở nhiều nơi, được người tiêu dùng ưu chuộng, nhất là ưu điểm thân thiện với môi trường. Nghề dệt chiếu đã mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình, giải quyết việc làm, giúp ổn định về mặt kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của bà con nông thôn.
Theo những người thợ dệt chiếu lâu năm cho biết, nguyên vật liệu dệt chiếu làm từ cỏ lác, loại cỏ mọc tự nhiên ở những vùng đất đồng bãi, được người dân làng Định Yên thu về, phơi khô và nhuộm màu trong nước sôi. Để màu nhuộm chính xác, khó phai cho chiếu, người thợ dệt nấu phẩm màu, nhúng từng chùm lác nhỏ vào nhuộm, tùy theo độ đậm nhạt có thể nhúng 2 đến 3 lần trở lên. Sau đó, cỏ lác tiếp tục được mang phơi nắng thêm một buổi rồi bước vào công đoạn dệt.
Dể dệt một chiếc theo cách thức thủ công truyền thống cần có 2 người, nghề dệt chiếu cũng đòi hỏi sự điêu luyện, tinh xảo và những bí quyết riêng để tạo ra những sản phẩm chiếu bền, đẹp. Để hoàn thành một chiếc chiếu với hình ảnh, màu sắc sắc sảo và ít phai, phải mất khá nhiều công đoạn. Để các nan chiếu đều và đẹp, đòi hỏi hai người người thợ phải có sự phối hợp nhịp nhàng, trong các thao tác đan cài các lan chiếu, sử dụng mầu sắc khi đan các sợ lác đã nhuộm mầu, để tạo hoa văn, mầu sắc cho chiếc chiếu.
|
Người thợ Định Yên dệt chiếu theo phương pháp truyền thống. |
Trong khi dệt hai người thợ phải phối hợp nhau nhịp nhàng, tỉ mỉ và cẩn thận mỗi khi thực hiện thao tác kéo dập khung dệt, tạo lên sự dày dặn bền chắc cho chiếc chiếu dệt thủ công. Trong các loại chiếu thì chiếu hoa và chiếu vảy ốc là khó dệt nhất bởi nó đòi hỏi sự phân bố, bắt chữ sao cho đẹp và tinh xảo. Khi dệt xong, người thợ mang chiếu đi cắt bìa, làm mịn, may vải và phơi nắng cho sản phẩm.
Sản phẩm chiếu Định Yên phong phú gồm các loại chiếu trắng, chiếu in hình hoa văn, chiếu con cò, chiếu cưới... Màu sắc, hoa văn đa dạng, từ chiếu trắng thường đến chiếu bông (vảy ốc, trà niên, con cờ…) giá cả phải chăng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Đặc biệt, làng chiếu Định Yên trước đây được biết đến với những phiên chợ chiếu (chợ ma) nổi tiếng, chỉ họp vào đêm, trong sân chùa cổ kính, dưới ánh đèn dầu leo lắt, những người tới chợ đi qua đi lại, lặng lẽ mờ ảo trong đêm, chợ họp khoảng 2 giờ rồi tan chợ.
Trong xu thế các địa phương đang chú trọng khai thác những giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với phát triển du lịch. Những năm gần đây, ngành Du lịch Đồng Tháp và chính quyền địa phương ở Định Yên đã nghiên cứu, từng bước phục dựng nét văn hóa truyền thống này, tạo một sản phẩm du lịch - văn hóa thu hút du khách, qua đó giới thiệu về vùng đất và con người ở Định Yên với bạn bè trong và ngoài nước, xây dựng một điểm đến du lịch – văn hóa hấp dẫn ở tỉnh Đồng Tháp.