Si Ma Cai: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc

Thứ năm, 23/06/2022 15:15
(ĐCSVN) - Để phát triển ngành du lịch, dịch vụ, gắn với bảo tồn phát huy các di sản văn hóa các dân tộc, những năm gần đây huyện Si Ma Cai đã và đang tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ để tạo điểm nhấn, tạo sự khác biệt về dịch vụ du lịch.

Là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai, Si Ma Cai có 09 xã, 01 thị trấn với trên 37.000 nhân khẩu, gồm 15 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có nền văn hóa truyền thống đặc sắc lâu đời. Hiện huyện Si Ma Cai đang tập trung mọi nguồn lực để tăng cường việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch hiện có, khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh, tận dụng mọi nguồn lực, mọi sự quan tâm ủng hộ từ các ban, ngành của tỉnh để kích cầu, phát triển về du lịch. Để làm được điều này, huyện đang tăng cường sự lãnh đạo của đảng, đối với công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa các dân tộc, gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn huyện, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngay từ tháng 7/2020, Huyện ủy Si Ma Cai đã ban hành Đề án Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, nhiệm kỳ 2020-2025. Tổng nguồn kinh phí thực hiện đề án ước tính là hơn 42,7 tỉ đồng.

 Du khách trải nghiệm hái lê. (Ảnh: Báo Lào Cai)

Đề án sẽ góp phần quan tâm phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian gắn kết với xây dựng con người Si Ma Cai. Chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan du lịch của du khách, đồng thời cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Phấn đấu hình thành các điểm, tuyến du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng của Si Ma Cai có sức thu hút du khách trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, có thể mạnh nổi trội về tài nguyên tự nhiên và văn hóa.

Đến năm 2025, Đề án đặt mục tiêu bảo tồn 03 lễ hội, nghi lễ truyền thống; 02 nghề thủ công truyền thống; sưu tầm, bảo tồn văn hóa phi vật thể của 03 nhóm ngành dân tộc ít người có nguy cơ mai một cao. Lập hồ sơ khoa học, đề nghị công nhận và tiến hành tôn tạo 01 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; bảo tồn 01 nhà truyền thống của dân tộc Mông. Duy trì mở rộng quy mô 05 làng nghề dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc, nấu rượu, làm hương. Xây dựng 05 điểm du lịch và các sản phẩm du lịch tại các điểm du lịch. Xây dựng 05 mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi, trồng dược liệu...

Đề án cũng đặt mục tiêu thu hút được 270 nghìn lượt khách đến Si Ma Cai, tăng khoảng 210 nghìn lượt người so với năm 2019. Xây dựng được 20 cơ sở lưu trú, tăng 15 cơ sở so với năm 2020; nâng tổng số phòng lên 200 phòng vào năm 2025. Với khoảng 200 lao động được đào tạo về du lịch, góp phần đạt doanh thu du lịch, dịch vụ năm 2025 ở mức 67 tỷ đồng.

Ruộng bậc thang lúa Sín Chéng, Si Ma Cai. (Ảnh: Báo Văn hóa) 

Cùng với đó, từ đầu năm 2021, huyện đã tiến hành khảo sát, xây dựng các sản phẩm OCOP, đã duy trì và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tạo điểm nhấn thu hút du khách đến trải nghiệm. Đặc biệt tổ chức thành công lễ hội hoa lê trắng lần thứ  nhất năm 2022, thông qua lễ hội đã thu hút được trên 4 nghìn lượt du khách. Khách du lịch đến với Si Ma Cai đã tăng lên đáng kể, năm 2021 toàn huyện đón 15 nghìn lượt khách, ước tính doanh thu từ du lịch đạt trên 2 tỷ đồng. Đến thời này, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022,  đã thu hút được hơn 8 nghìn lượt khách, ước tính doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng. Trong tháng, số khách du lịch đến thăm Si Ma Cai ước đạt 2.500 lượt khách, chủ yếu khách tham quan các chợ phiên: Cán Cấu, Si Ma Cai, Sín Chéng.

Cùng với các hoạt động quảng bá hình ảnh, huyện Si Ma Cai cũng đã tập trung phát triển nguồn nhân lực, các sản phẩm đặc thù của địa phương như: Mận Tả Van Si Ma Cai, Lê Tai Nung, trứng vịt Sín Chéng, cây dược liệu.

Để thu hút du khách, triển khai hiệu quả các biện pháp quảng bá, xúc tiến, phát triển du lịch, huyện Si Ma Cai đang cùng với các đơn vị, địa phương, tập trung quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, các địa điểm du lịch văn hóa tâm linh hay du lịch nông nghiệp, cộng đồng. Đồng thời, phát triển như du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên tại các xã, thị trấn như: Lễ hội mận Tả Van xã Lùng Thẩn, các hoạt động trải nghiệm tại thị trấn Si Ma Cai, xã Quan Hồ Thẩn, xã Bản Mế, lễ hội mùa vàng tại xã Sín Chéng.

Đặc, chương trình "Si Ma Cai-Hương sắc vùng cao" sẽ được tổ chức từ ngày 17-28/6/2022 với nhiều hoạt động khám phá, trải nghiệm danh lam, thắng cảnh đẹp, di tích văn hóa- lịch sử,  trải nghiệm du lịch miệt vườn Si ma Cai mùa hoa trái, ùa mận Tả Van, mùa lê chín, vùng cao mùa nước đổ; tìm hiểu truyền thống văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc nguyên sơ, các lễ hội, nghi thức văn hóa, các hoạt động văn hóa- văn nghệ, thể thao dân tộc  đặc sắc, hấp dẫn...

Ngoài ra, còn có các hoạt động trải nghiệm tại các xã như: Trải nghiệm tại thị trấn Si Ma Cai với di tích văn hoá đền, rừng cấm Si Ma Cai; trải nghiệm, khám phá xã Lùng Thẩn với hoạt động săn mây, ngắm cảnh sắc thiên nhiên trên đỉnh đồi đá trắng, khám phá rừng nguyên sinh và trải nghiệm không gian nhà cổ dân tộc Mông tại thôn Lùng Sán, thôn Seng Sui, khám phá di tích lịch sử thành cổ Lùng Thẩn, thưởng thức ẩm thực của các dân tộc. Lễ hội Cúng rừng thôn Lùng Sán, xã Lùng Thẩn là lễ hội của người Mông ở Si Ma Cai, đây là nét đẹp truyền thống giàu bản sắc văn hóa dân gian được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, sẽ tổ chức từ ngày 17-20/6.

Đáng chú ý, từ ngày 25/6/2022 đến ngày 29/6/2022, Lễ hội trải nghiệm mùa hè lần thứ nhất năm 2022 sẽ được tổ chức tại thôn Sín Chải, xã Bản Mế với nhiều nội dung phong phú đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc vùng cao. Tham gia Lễ hội trải nghiệm du khách được chiêm ngưỡng, cảm nhận vẻ đẹp của các thửa ruộng bậc thang trải dài mênh mông trên các sườn núi, trải nghiệm những bản sắc văn hóa dân gian, đời sống, phong tục tập quán độc đáo của đồng bào các dân tộc tại xã Bản Mế. Lễ Hội trải nghiệm mùa hè lần thứ nhất năm 2022 là nơi tái hiện lên không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nơi hòa quyện giữa không gian – âm nhạc – ẩm thực cùng các hoạt động vô cùng ý nghĩa nằm trong chuỗi Chương trình “Si Ma Cai -Hương sắc vùng cao” năm 2022 nhằm giới thiệu quảng bá các giá trị văn hóa, tài nguyên và sản phẩm du lịch, các điểm thu hút khách du lịch, khai thác bảo tồn và phát triển các môn thể thao truyền thống, ẩm thực độc đáo, các văn hóa, trang phục truyền thống của đồng bảo vùng cao.

Ngoài ra, tại Lễ Hội trải nghiệm quý khách còn được tham quan các trò chơi dân gian, các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ dân gian, ẩm thực dân tộc tổ chức các tiếc mục văn nghệ đậm đà bản sắc văn hóa vùng cao nhưng nhảy khèn múa gậy, hát dân ca từ các cô gáy dân tộc vùng cao với những bộ trang phục độc đáo kết hợp tham quan, trải nghiệm chợ văn hóa Si Ma Cai trải nghiệm phong tục tập quán và đời sống của đồng bào các dân tộc tại địa phương.

Cũng nằm trong chương trình “Si Ma Cai - Hương sắc vùng cao” vào tháng 9/2022, huyện Si Ma Cai sẽ tổ chức Lễ hội “Mùa vàng Sín Chéng” để du khách được chiêm ngưỡng, cảm nhận vẻ đẹp của các thửa ruộng bậc thang trải dài trên các sườn núi tại xã Sín Chéng và hòa mình cùng sắc màu vàng óng của lúa khi vào mùa chín rộ; đồng thời trải nghiệm những bản sắc văn hóa dân gian, đời sống, phong tục tập quán độc đáo của đồng bào các dân tộc tại Sín Chéng và các xã Bản Mế, Thào Chư Phìn khi vào vụ lúa mùa.

Với việc tổ chức thành công các lễ hội sẽ góp phần quảng bá hình ảnh của Si Ma Cai rộng rãi hơn với người dân cả nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, gắn với du lịch, dịch vụ và du lịch sinh thái, phát huy lợi thế của địa phương, phát triển sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, sản xuất hàng hóa gắn với chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Si Ma Cai.

VH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực