Từ TP Lai Châu theo con đường trải nhựa phẳng phiu, vượt qua những gấp khúc quanh co của đường đèo ẩn hiện trong mây, càng lên cao khí hậu càng mát mẻ. Từ trên cao phóng tầm mắt nhìn cảnh đẹp nơi đây thật hấp dẫn, những đồi núi nhấp nhô đan xen nhau, nổi bật là những thửa ruộng bậc thang trông xa như những bức tranh thủy mặc. Bản Sin Suối Hồ hiện ra trước mắt, con đường dẫn vào bản được đổ bê tông, những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Mông trông sạch sẽ, gọn gàng, xung quanh nhà là những vườn địa lan xanh tốt, những vườn đào, mận, thảo quả, táo mèo trĩu quả. Bước chân vào bản du khách được các chàng trai, cô gái Mông trong trang phục truyền thống, mời thưởng thức nước thảo quả với mật ong, loại nước uống đặc trưng đong bằng ống tre và cốc uống cũng được làm bằng ống tre và cũng chính các chàng trai cô gái này đã biểu diễn các tiết mục văn nghệ, giới thiệu nét văn hóa đặc trưng, mô phỏng cuộc sống hàng ngày của dân tộc Mông chào đón du khách.
|
Rót nước mời du khách bằng ống tre ở Lai Châu. |
Dẫn chúng tôi đi tham quan và giới thiệu về bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, Trưởng bản Vàng A Chỉnh kể: Trước đây đời sống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây rất khó khăn, đường giao thông đến bản đều là đường mòn, từ Lai Châu đến đây rất vất vả. Ở bản rất nhiều người lớn nghiện thuốc phiện, thuốc lào, rượu chè say sưa. Biết được ở nhiều nơi phát triển mô hình cộng đồng, đời sống của bà con thay đổi. Với trách nhiệm của Trưởng bản, anh đã đi vận động người dân bỏ thuốc phiện, vận động người trẻ đi cai nghiện. “ Nhưng đến đâu cũng không nhận được sự ủng hộ mà mọi người còn bảo làm du lịch cộng đồng không được đâu, tưởng chừng bản không còn tương lai” - Trưởng bản Vàng A Chỉnh chia sẻ.
Không lùi bước, trưởng bản Vàng A Chỉnh đã gặp, bàn với anh Hàng A Xà, một người có uy tín trong bản là phải làm cho bà con hiểu, phải quyết tâm đưa đời sống của đồng bào Mông nơi đây thay đổi. Từ năm 1995-2005, cả hai anh là người tiên phong đi vận động bà con cai nghiện. Đến năm 2014, bản Sin Suối Hồ đã cai nghiện thành công không còn ai nghiện hút nữa. Trưởng bản Vàng A Chỉnh cho biết: Cai nghiện được rồi, làm thế nào để dân mình thoát nghèo, khỏi cái đói bao đời bủa vây?, bản Sin Suối Hồ có 100% đồng bào dân tộc Mông quanh năm lên nương trồng ngô, lúa biết làm gì đây? Nói và làm, Trưởng bản Vàng A Chỉnh bắt tay vào tu sửa nếp nhà mình cho sạch sẽ, gọn gàng, rồi Trưởng bản Chỉnh và anh Hàng A Xà đi vận động anh em, họ hàng cũng sửa sang, dọn dẹp nhà cửa của từng gia đình, rồi thông báo cho tất cả anh em trong bản chung tay sửa sang lại tất cả các khu đất đai, nhà cửa của bản, sửa hết từ cổng chào cho đến đường vào bản. Rồi tiếp tục vận động nhà ai có điều kiện thì làm dịch vụ homestay đón khách du lịch, nhà nào không có điều kiện thì nuôi lợn, gà, trồng rau, cung cấp thực phẩm, mỗi nhà một việc, cả bản cùng chung tay làm. Đến năm 2012, toàn bộ đường đi vào bản cho đến các hộ gia đình được đổ bê tông sạch sẽ, đến năm 2015, bản Sin Suối Hồ được công nhận là bản du lịch cộng đồng.
Nhớ lại những ngày đầu vận động bà con làm du lịch cộng đồng, Trưởng bản Chính cho biết: "Có rất nhiều vất vả, vì đây là mô hình mới, người dân chưa thấy bao giờ, ngại, không thích thay đổi, có nhiều người phản đối. Nhưng tôi thấy nhiều nơi làm được, bản mình có nhiều lợi thế, tại sao không làm được. Muốn làm được việc thì trưởng bản và người có uy tín phải làm trước, làm để dân bản thấy, có kết quả sẽ làm theo". Trưởng bản Vàng A Chỉnh chia sẻ thêm: "Trong quá trình xây dựng du lịch cộng đồng, tôi và anh Hàng A Xà đều không được đi học, không có kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng. Dù vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm, tự học, tự làm, chính từ sự nỗ lực của mỗi người cùng với sự tham gia tích cực của bà con trong bản mô hình du lịch cộng đồng nơi đây bước đầu đã được nhiều nơi biết tới".
|
Giới thiệu sản phẩm văn hóa thổ cẩm ở Sìn Suối Hồ. |
Tiếng lành đồn xa, qua phiên chợ thứ Bảy hàng tuần ở bản Sin Suối Hồ, qua người dân, du khách khắp nơi tìm đến bản Sin Suối Hồ để cùng dự, tìm hiểu nét văn hóa chợ phiên, cùng giao lưu, trò chuyện, bàn chuyện làm ăn, ngắm phong cảnh đẹp, ngắm hoa lan và tìm hiểu mô hình 5 không của đồng bào Mông nơi đây: Không ai hút thuốc phiện; không hút thuốc lào hay thuốc lá; không đàn đúm rượu chè; không cờ bạc; không xả rác. Thời điểm khách du lịch đến bản đông nhất từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Trưởng bản Vàng A Chỉnh kể: Khởi đầu chỉ có 2 gia đình làm homestay, khách đến đông không biết làm những gì. Thấy được khó khăn của bản, với sự giúp đỡ huyện Phong Thổ và Sở VHTTDL Lai Châu đã hướng dẫn bà con các dịch vụ đón khách, cách làm homestay, giới thiệu về văn hóa, về các điểm tham quan cũng như giới thiệu cho khách các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Năm 1998 thành lập Hợp tác xã trái tim làm homestay. Đến nay, cả bản hiện có 135 hộ thì có trên 10 hộ làm homestay. Mỗi homestay có một cổng chào, biển báo bằng gỗ với dòng chữ tết bằng dây thừng hoặc dây mây ghi số điện thoại, các dịch vụ, tên chủ nhà… Các homestay được trang trí mang đậm bản sắc dân tộc của người dân, rất gọn gàng, sạch sẽ, mang lại cảm giác ấm cúng cho khách đến tham quan, nghỉ lại. Đồng thời tại các homestay còn giới thiệu về nét ẩm thực độc đáo của dân tộc Mông cho du khách, như: Thưởng thức lợn cắp nách, mèn mén, gà đen, rượu ngô, rượu gạo, bánh dày…
|
Du khách trải nghiệm giã bánh dầy, tìm hiểu đời sống văn hóa của người Mông. |
Để giúp du khách hiểu sâu hơn về nét văn hóa đặc trưng của người Mông nơi đây, Trưởng bản Vàng A Chỉnh đã cùng bà con đi sưu tầm, làm mô hình trưng bày các không gian văn hóa ở nhiều điểm trong bản, chợ, giới thiệu các công đoạn làm váy lanh, nhà tỏ tình, khu vui chơi đánh cầu, ném pao, khu bảo tồn mô hình đá ruộng bậc thang, nơi trưng bày lò rèn truyền thống, cối giã gạo, súng kíp, cối xay bột, giã bánh dầy, xin ý kiến các chuyên gia về định hướng bảo tồn nhà cổ dân tộc Mông có trên 300 năm và ý kiến khắc phục những điểm chưa hoàn thiện của mô hình du lịch cộng đồng ở Sin Suối Hồ. Đồng thời, có sự đầu tư, góp sức của bà con trong bản sửa sang con đường dẫn để du khách đi lên thác Trái tim dài 1,6 km. Cùng với việc mở cửa đón khách du lịch, người dân bản Sin Suối Hồ còn trồng và phát triển giống địa lan, trồng các loại cây ăn quả, mỗi hộ dân nơi đây đều có thu nhập trên dưới 50 triệu đồng mỗi năm, những hộ gia đình vừa trồng địa lan, vừa làm homestay có thu nhập từ 200 triệu đến 300 trăm triệu đồng mỗi năm.
Bản vùng cao Sin Suối Hồ, điểm du lịch cộng đồng của mảnh đất Lai Châu đã thực sự có nhiều đổi thay. Nơi đây có nhiều điều mới lạ, hấp dẫn, mời gọi du khách gần xa đến để hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, cùng khám phá và trải nghiệm với nhiều điều thú vị.